Doanh nhân và phong thủy
Trăm sự nhờ thầy
Hai năm trước, khi chuyển văn phòng công ty về địa chỉ mới nằm trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM, Giám đốc D. luôn có cảm giác bất an. Kết quả kinh doanh không được như mục tiêu đặt ra, các mối quan hệ với khách hàng bỗng dưng không còn đằm thắm như trước.
Anh D. cho biết gần đây, khách hàng thanh toán công nợ rất chậm. Chẳng những thế, những vụ xung đột trong gia đình anh cũng
Nghĩ mình gặp “năm xui tháng hạn”, anh rước thầy phong thủy tư vấn bố trí lại đồ vật trong nhà, cũng là văn phòng làm việc của công ty. 15 triệu đồng cho việc cải tạo phong thủy cả ba tầng lầu. Thầy phong thủy bảo anh phải mang ông thần tài và thổ địa ra khỏi nhà, thay vào đó là con kỳ lân, đồng thời xông nhà bằng nhang trầm khoảng 100 ngày thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt lành.
Sau vài tuần làm theo lời thầy phong thủy, kết quả là nhiều khách hàng đến tận văn phòng công ty gặp giám đốc chỉ để “trút bầu tâm sự”, toàn những chuyện đâu đâu; vợ anh thì thường xuyên gắt gỏng, nổi cáu. Nhận thấy mọi chuyện càng tệ hơn trước, anh D. quyết định không làm theo thầy phong thủy nữa.
Anh P., giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở huyện Nhà Bè, 10 năm trước từng kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc, kể: “Mọi chuyện kinh doanh nhà đất của gia đình tôi đều nhờ vào “thầy núi Dinh” (Bà Rịa – Vũng Tàu) chỉ vẽ cho. Cũng có lúc thầy phán phải đổi lại cửa chính, đặt hai con sư tử đá trước cổng, chuyển cái hồ nuôi cá đến vị trí khác… Chi phí rước thầy đến nhà từ vài triệu đến cả chục triệu mỗi lần. Không hiểu thầy coi phong thủy kiểu gì mà cứ sáu tháng, một năm lại điều chỉnh phong thủy gia trạch”. Rốt cục, kết quả kinh doanh theo lời “thầy núi Dinh” không giúp gia đình anh thoát nổi tình trạng đóng băng của thị trường.
Mặc dù vậy, với nghề kinh doanh đồ gỗ hiện nay, anh P. cho biết sẽ cùng mấy người bạn kiến trúc sư ghi danh học phong thủy một cách “danh chính ngôn thuận” để mở mang kiến thức. “Kinh doanh trong những ngành có dính dáng với bất động sản, xây dựng, thiết kế nội thất… thì cũng cần có một số kiến thức nhất định về khoa học phong thủy để biết ý nghĩa ngũ hành bát quái, cách ứng dụng tương sinh tương khắc…”, anh nói.
Theo một số nhà nghiên cứu phong thủy, kể từ năm 2004, khi nền kinh tế có chiều hướng phát triển ở mọi ngành nghề, nhiều người đã nhảy vào “nghiên cứu” môn phong thủy vì đó là nghề dễ kiếm tiền, dễ “vẽ rắn thêm chân”, dễ mê hoặc lòng người. Ngược lại, thị trường cũng sản sinh ra một số người nhanh chóng làm giàu bằng cách buôn nước bọt.
Họ kháo nhờ phép này, thuật nọ từ “thầy phong thủy” hay “ông đồng, bà cốt” nên trúng đậm cổ phiếu, trúng đất, trúng thầu, vay được những khoản tiền trong mơ, đòi được những khoản nợ tưởng chừng đã mất… Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các vật phẩm phong thủy trang trí ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của những người chất chứa khát vọng nhanh chóng trở thành đại gia, nhanh chóng thăng quan tiến chức.
Ranh giới mong manh giữa khoa học phong thủy và mê tín
Bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc một công ty tư vấn tâm lý kinh doanh, cho biết trước đây, khi công ty bà bố trí văn phòng làm việc, việc sắp đặt bàn ghế khiến nhiều cộng sự của bà luôn có cảm giác ngột ngạt, bất an. Từ sau khi được học môn địa lý phong thủy và ứng dụng vào việc điều chỉnh chỗ ngồi, mọi người hiểu thêm việc sắp đặt chỗ ngồi thích hợp với sự di chuyển của luồng khí sẽ tạo sự thông thoáng trong căn phòng và cảm giác khỏe khoắn, phấn chấn cho người làm việc.
Bà cũng kể thêm về trường hợp của một người quen. “Cô ấy là lãnh đạo một doanh nghiệp và rất tin phong thủy”. Bất cứ điều gì thầy phong thủy tư vấn cô đều làm theo. Và sau khi mua nhiều linh vật đặt trong nhà, sửa cổng, dời bếp… một thời gian, công việc làm ăn vẫn trục trặc liên miên, khi đó, “thầy” đổ tại vận xấu đeo đuổi cô vì… cái nắp cống án ngữ trước mặt tiền nhà!
“Ranh giới giữa khoa học ứng dụng phong thủy và mê tín rất mong manh”, bà Tâm nhận định. “Nhưng nếu được học và hiểu một cách căn bản về địa lý phong thủy, khoa học dự báo (kinh Dịch)… sẽ thấy khoa học ứng dụng phong thủy đi theo những quy luật tất yếu của tự nhiên, “cái này tương xứng với cái kia, giống như đi ngoài nắng thì đội mũ, nóng thì bật quạt…”.
Một số chuyên gia phong thủy cũng cho rằng sở dĩ có nhiều doanh nhân thường tin theo những điều huyền bí, tìm chỗ dựa ở những “thế lực vô hình”, tin vào vận may sẽ đến khi có các linh vật như thiềm thừ (cóc ba chân), tỳ hưu, cá chép… đặt trong nhà hay trong văn phòng, là vì đa phần công việc làm ăn của họ quá mạo hiểm, không minh bạch hoặc thực chất là “buôn gian bán lận”, vì thế nảy sinh tâm lý bất an. Mà đã bất an, không sáng suốt thì rất dễ bị những người mượn danh “thầy phong thủy” phỉnh gạt.
Theo Kiến trúc sư Phạm Cương, Công ty cổ phần Nhà Xuân: là một bộ môn khoa học có tính ứng dụng cao, hiện nay phong thủy đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống nhưng những hiểu biết về nó của đại đa số dân chúng còn khá mơ hồ, đưa đến những quan niệm không đúng về phong thủy. Đặc biệt là trong môi trường kinh doanh, việc hiểu biết và ứng dụng phong thủy vẫn còn là vấn đề mới mẻ trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp và doanh nhân ngày càng lớn.
“Cần có cái nhìn đúng về phong thủy để ứng dụng một cách thiết thực nhất vào đời sống. Điều cốt yếu của phong thủy là mang lại sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên cũng như môi trường sống ở xung quanh. Cũng cần tỉnh táo để tránh cái bẫy của những thủ thuật thần bí hóa khoa học phong thủy”.
Bà Đào Kim Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Sinh thái Tân Minh Phượng ở thành phố Hải Phòng, đã có 25 năm nghiên cứu về phong thủy. Công việc hiện nay của vợ chồng bà là phổ biến tri thức về phong thủy thông qua việc thành lập thư viện sách chuyên ngành. Theo bà Phượng, trong những năm qua thị trường đã xuất hiện hàng trăm đầu sách về phong thủy, trong đó không thiếu những cuốn viết hoặc dịch sai, là một trong những nguyên nhân của nạn hiểu sai về phong thủy trong xã hội, nhất là trong giới kinh doanh.
Uyên Viễn (Thesaigontimes)