Báo Đời sống & Pháp Luật: Thực hư khả năng trấn yểm và câu chuyện người dân chôn Nghê giữ đất

Thực hư khả năng trấn yểm và câu chuyện người dân chôn Nghê giữ đất

Những con Nghê cổ tìm thấy dưới móng nhà của nhiều người dân được nhiều người cho là một vật trấn yểm nhằm bảo vệ gia chủ thoát khỏi hung kiếp. Lại có ý liến các cụ xưa kia dùng nó vừa để xua đuổi tà khí cũng vừa để cầu vượng khí đến nhà. Tuy nhiên thực hư câu chuyện này có đúng như lời đồn đại?

Nghê ít được sử dụng để yểm đất

Nhằm làm rõ thực hư khả năng trấn yểm của con Nghê, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phong thủy Phạm Cương (Công ty cổ phần Nhà Xuân) để làm rõ vấn đề này. Chuyên gia Cương cho biết: “Trấn và yểm theo tôi cần phân biệt nhằm tránh đồng nhất giữa hai khái niệm này. Theo quan niệm phong thủy thì “trấn” dùng để chỉ việc đặt các vật khí phong thủy hiện hữu trên mặt đất và nhìn thấy được, còn “yểm”  là các vật đó được đem chôn dưới đất hoặc gói bọc … nhằm đạt được mục đích làm phong thủy”.

Con nghe 1

Lý giải những hoài nghi quanh việc người dân thường xuyên đào được Nghê dưới móng và cho rằng đó là phương pháp yểm đất của người xưa, chuyên gia Cương không đồng tình với cách nhìn nhận như vậy. Theo chuyên gia này thì Nghê chủ yếu được sử dụng để trấn giữ cửa đình, chùa hoặc cửa ngôi nhà. Ngoài ra nó còn được dùng như họa tiết trang trí trên mái các ngôi đình, chùa đó. Nghê ít sử dụng để yểm đất (tức chôn xuống).

“Kết quả của các khai quật khảo cổ cho biết Nghê xuất hiện từ rất sớm ngay từ thời Lý thế kỷ X, sau đó phát triển và trở nên phổ biến khi được tạo tác bằng gốm Chu Đậu thế kỷ XVI- XII. Cuối cùng nó phát triển thịnh đạt cho đến cuối đời Tây Sơn. Trải qua hàng ngàn năm với các tầng văn hóa nối tiếp nhau nên rất nhiều Nghê bị chôn vùi dưới đất. Vì vậy ngày nay khi tiến hành xây dựng chúng ta có thể gặp nghê bên dưới lòng đất. Thông thường đó là những con nghê cách đây vài chục, vài trăm năm hoặc hơn nữa, được bài trí trước nhà cửa để bảo hộ cho gia chủ bình an và theo năm tháng bị vùi lấp xuống dưới đất” – chuyên gia Phạm Cương cho biết thêm.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng đánh giá cao về tác dụng của Nghê trong việc trấn giữ cửa nhà nói riêng và vai trò trấn giữ tại các công trình kiến trúc mang tính tâm linh nói chung. Anh chia sẻ: “Trong Phong thủy, Nghê thường được dùng trấn giữ cửa nhà, hóa giải hung khí chiếu tới khi đối diện với cửa nhà khác hay bị ngã ba ngã tư, đường vòng, hoặc góc nhọn chiếu vào cửa nhà. Nghê cũng dùng để hóa giải hung khí của các sao Sát khí như Ngũ Hoàng, Nhị Hắc…chiếu mỗi năm”.

Tất nhiên việc dùng Nghê để trấn các ngôi nhà, các công trình kiến trúc tâm linh cần phải được xem xét cẩn thận. Nói theo cách của chuyên gia Phạm Cương thì việc sử dụng nghê để trấn yểm chủ yếu dựa vào hướng nhà, phương vị nhà cùng với thuyết âm dương, ngũ hành và bài trí trên mặt đất chứ ít khi chôn xuống dưới. Nghê hiện nay được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đồng, gốm sứ, gỗ…Tùy vào từng hướng nhà mà gia chủ có thể sử dụng cho phù hợp. Chẳng hạn khi chúng ta cần dùng hành Mộc có thể sử dụng Nghê gỗ, hành Thổ dùng Nghê bằng gốm sứ, hành Kim dùng nghê đồng … Nghĩa là mỗi chất liệu đều có tác dụng cụ thể khác nhau đối với mảnh đất và mạng số của gia chủ đó.

Riêng đối với những trường hợp đào được Nghê dưới móng nhà, người dân cũng không cần phải hoang mang hay có những nghi vấn mang tính chất hoang đường. Điều này vốn rất bình thường và không nên đẩy vấn đề đi quá xa. Chuyên gia Cương cảnh báo: “Khi xây nhà nếu người dân phát hiện Nghê thì cũng không nên quá lo lắng vì đó thực chất là những con Nghê vô tình bị vùi lấp từ các thời kỳ trước chứ không phải dùng để yểm long mạch của khu đất đó. Những con nghê này thường mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là tiêu cực, cho nên khi gặp tình huống này không nên quá hoang mang. Trong trường hợp còn nghi ngờ người dân nên gặp các chuyên gia uy tín, không nhất thiết phải bày vẽ cúng bái gây tốn kém tiền bạc cho chính mình mà lại không giải quyết được vấn đề gì”.

Như vậy vai trò trấn giữ của con Nghê trong các công trình xây dựng đã được khẳng định. Tuy nhiên vai trò, vị trí, chức năng của nó so với các linh vật khác như thế nào? Khả năng trấn giữ của linh vật này có gì kđặc biệt so với những linh vật trong tứ linh? Câu hỏi này cũng không dễ để trả lời.

Khả năng trấn yểm không mạnh

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) dựa trên những quan sát, đánh giá những trạng thái, cảm xúc của hình tượng này trong các công trình kiến trúc tại đền, chùa … và thậm chí là trong các công trình xây dựng dân dụng.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp Luật, nhà nghiên cứu này cho biết: “con Nghê trong suy nghĩ của người Việt không có tác dụng trấn yểm mạnh như các linh vật khác của Trung Quốc. Hai trạng thái tình cảm lớn nhất của hình tượng này là trầm mặc và hoan hỉ. Rất ít hình tượng Nghê có biểu hiện dữ dằn trong tạo tác như Sư tử hay Kì lân. Chính bởi vậy con Nghê không có chức năng đe dọa, hung tợn và tất nhiên, nếu thế thì khả năng trấn giữ của nó không mạnh bằng các linh vật khác”.

Tất nhiên dưới triều nhà Nguyễn, đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng thì hình tượng Nghê biến đổi rất nhiều và gần như mang dáng dấp của con Kỳ lân và Sư tử. Sự sùng bái văn minh Trung Hoa của vị vua này khiến cho một thời con Nghê Việt Nam có dáng vẻ hung ác, dữ tợn. Tuy nhiên khi mà triều đại nhà Nguyễn kết thúc, hình tượng Nghê lại quay về với dáng vẻ ban đầu của nó. Hiện nay Nghê được tạo tác dưới hình hài thân thiện hơn nhiều với đầu gần giống Lân nhưng mình và tư thế ngồi lại giống có đá.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế thì những biểu hiện cảm xúc của con Nghê thể hiện tập trung những giá trị văn hóa và quá trình giao lưu, hội nhập giữa văn hóa bản địa và văn hóa du nhập. Trạng thái hoan hỉ của con Nghê  như là một trạng thái đón chào người thân (đặc điểm này giống với bản tính con chó giữ nhà của người Việt). Trạng thái trầm mặc lại là biểu hiện của sự giao lưu với Phật Giáo. Tuy trầm mặc, uy nghiêm nhưng con Nghê không tạo ra cảm giác trấn áp người nhìn mà vẫn rất thân thiện, gần gũi. Nhà nghiên cứu này còn cho biết một thông tin thú vị: “Sở dĩ nói quan niệm trấn yểm của Nghê  không mạnh còn dựa vào hình dáng, kích thước của nó. Ngoại trừ con Nghê ở Huế là có hình dáng đồ sộ ra thì hầu hết Nghê Việt Nam được tạo tác với khuôn vóc nhỏ bé, vừa tầm. Nghê cũng được đặt trên bệ thấp và nhìn tổng thế không con nào quá một 1,4m. Nghĩa là vừa tầm mắt người nhìn nên không tạo ra cảm giác choáng ngợp như những con sử tử khổng lồ đặt tại các lăng mộ của người Trung Quốc”.

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cũng đồng tình về ý kiến này khi cho rằng: “con Nghê vốn có nhiều kiểu dáng khác nhau, tuy nhiên nó là một linh vật thuần Việt với tạo hình không quá dữ dằn, kích thước nhỏ (thường không cao quá 1,4m) nên rất phù hợp để trấn trước cửa nhà bình dân. Các linh vật khác, đặc biệt là sư tử với tạo hình dữ dằn, cao lớn thường được sử dụng để trấn ở cung điện, lăng mộ ngày xưa và hiện nay chúng ta thường gặp ở cửa văn phòng cơ quan công xưởng lớn”.

Con nghe  2

Con nghê ở đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội

Hiện nay có nhiều thắc mắc về việc sử dụng Nghê để trấn giữ tại các cổng đền, chùa hay trên mái của các công trình tôn giáo. Câu hỏi là sao người ta lại chọn Nghê chứ không phải là các linh vật khác? Chuyên gia phong thủy Phạm Cương lí giải: “Tùy theo tính chất và quy mô của công trình mà chúng ta sử dụng các linh vật cho phù hợp chứ không quy định cụ thể khi nào dùng Nghê, khi nào dùng các linh vật khác”

Xem tuổi làm nhà
Chuyên gia phong thuỷ Phạm Cương

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương tâm sự: “Dưới góc độ của một người nghiên cứu và ứng dụng Phong thủy, tôi luôn khuyến khích khách hàng sử dụng những sản phầm thuần Việt. Việc sử dụng hình tượng Nghê để trấn yểm Phong thủy vừa rất phù hợp với không gian kiến trúc của người Việt vừa góp phần bảo tồn và tiếp nối những giá trị  tạo hình truyền thống của cha ông”.

Phạm Thiệu (Theo Đời sống và Pháp Luật)