Tính khoa học của Phong thủy trong kiến trúc truyền thống – hiện đại

TÍNH KHOA HỌC PHONG THỦY TRONG KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG – HIỆN ĐẠI

GS Cao Xuân phổ

Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á- Việt Nam

(Tham luận đọc tại Hội thảo “Tính khoa học của Phong thủy trong kiến trúc và xây dựng”)

Phép Phong thủy thường được dùng để chọn đất khi lập thành quách, cất đình chùa, làm nhà cửa, để mồ mả. Đất làm nhà cửa gọi là dương cơ, đất để mồ mả gọi là âm phần. Về dương cơ thì thường người ta ít kén chọn chỗ đất, chỉ lấy hướng cho hợp thôi, đến như âm phần thì người ta thường nhờ thầy bói thì tìm cẩn thận lắm.

 

Phép phong thủy trước hết phải phân biệt hình đất làm 5 hình chính là :thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Người ta lại tùy thế đất giống hình dạng vật gì mà phân biệt những kiểu đất như lục long tranh châu, quần tiên hộ ẩm, hổ trục quần dương…đó đều là những kiểu đất quý cả. Lại có những kiểu đất con rùa, con cá, con voi, con ngựa, cái cờ, cái ấn, ngòi bút, thanh gươm…

Khi tìm đất thì trước hết phải tìm hổ sơn (núi chúa) rồi dò long mạch theo thế đất mà tìm huyệt. Huyệt trường tất phải có tiền ám hậu chẫm, tả long hữu hổ, phía trước có minh đường thủy hội tụ, phía sau có long mạch thu thức, phía ngoài có hàng sa triều củng, đất được như thế tức là chỗ tụ khí tàng phong, mới là chân huyệt. Nếu chỗ sơn cùng thủy tận gọi là tuyệt địa.

Thầy Đào Duy Anh lúc sinh thời có dạy chúng tôi như vậy.

Thuật phong thủy đã thấy xuất hiện ở Trung Quốc vào đời Tần (221 – 226 TCN) và phát triển cho đến thời Nguyên (1271-1368 SCN).

Ở nước ta thì có ông Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, sau khi học phép phong thủy địa lý ở Tàu, khi trở về nhà làm đất nổi tiếng một thời, thường được gọi là thầy Tả Ao.

Phép phong thủy đã được vua nhà Lý đầu tiên- Lý Thái Tổ- vận dụng để xây dựng kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Trong Chiếu dời đôvua tự tay viết : “Nơi đây, thành Đại La (đô cũ thời Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa,. dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”

Nhà vua cho dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt thành mở 4 cửa, phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía Tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía Bắc gọi là cửa Diệu Đức.

Hiển nhiên, hiểu biết thuật phong thủy phải là người có học thức, song người dân sống nơi thôn dã cũng có những khái niệm về phong thủy để ứng dụng trong cuộc sống bình nhật của mình, như khi họ nói kiểu đất con rùa, con cá, con voi, con ngựa, cái ấn, ngòi bút, thanh gươm…Chẳng hạn như người dân có câu ‘lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” là để nói lên hướng nhà ấm về mùa đông mà mát về mùa hè. Hay làm nhà quay về hướng đông là hướng mặt của các thần, như có thể thấy ở các chùa dòng Tiểu thừa thường gặp ở đồng bằng sông Cửu Long. Hướng tây được coi như là lưng của thần, hướng ổn định, thường được xây thành tường hậu.

Người sống ở đâu cũng cần có nhà, cho nên thuật kiến trúc là cơ bản bao gồm các thuật khác như thổ địa, khí hậu, phong tục, tôn giáo, chế độ…. Như vậy, thuật kiến trúc và tiêu biểu được rõ nhất là cái tư tưởng chung, cái tinh thần chung của chủng tộc. (1).

Về thổ địa và vật liệu thì ở nước ta nhà cửa phần nhiều làm bằng tre và gỗ cho nên phải làm nhiểu cột kèo dằng dịt nhau, phải làm tường cách và mái nặng cho vững chãi; vì khí hậy nóng nên nhà ít tường vách ngăn phòng và mặt trược thường để trống hoặc chỉ treo rèm.

Cách làm nhà lại còn phải theo nhiều điểu lễ giáo và luật pháp quy định. Theo sách Lễ ký Gia lễ thì trong việc làm nhà có ba điều trọng yếu nhất là : chọn hướng nhà cửa cho tốt, đặt bàn thờ gia tiên ở gian giữa và ngăn riêng chỗ ở của đàn ông, đàn bà. Theo luật xưa thì ai làm nhà mà không theo cách thức đã định thì phải phạt tội trường (2).

Trừ nhà quan, còn nhà dân thì không được làm to lớn, không được làm gác và không được làm hình chữ Công và chữ Môn.

Kiểu nhà xưa hơn hết là kiểu nhà bốn mái (hai mái chính và hai mái chái) rồi đến kiểu nhà hai mái bịt dốc (không chái). Nhà thường có ba gan hai chái, hoặc năm gian, ba mặt tả, hữu và hậu có vách bằng nứa hoặc bằng đất, hoặc bằng ván hay bằng tường gạch, không phải để đỡ mái nhà như ở các nhà tây, mà cốt để che mưa che gió. Ở mặt trước thì chỉ có cốt cột và rèm che, thỉnh thoảng mới có cửa ván. Cột thì thường đặt trên đá tảng chứ không chôn xuống đất (trừ nhà tre). Khi làm nhà thì trước hết dựng bốn cột cái gian giữa và cây đòn nóc, rồi sau thêm cột cái và kèo ở các gian bên cùng các hàng cột con và cột hiên. Những cột kèo ấy dằng dịt nhau thành cái sườn nhà rất vững, rồi ở trên, đặt mái nhà (3).

Dinh thự các quan và cung điện nhà vua, cùng các đình, chùa, lăng miếu là chỗ tế tự cũng làm theo kiểu nhà ở thường, tuy to rộng lớn hơn. Bộ phận chính của nhà ba gian và hai hàng cột cái ở giữa, muốn làm rộng thêm thì cứ làm thêm gian ở hai đầu và thêm hàng cột con ở trước, sau. Làm nhà lớn hay nhỏ đều hạn chế ở trong cách thức nhất định ấy, cho nên khi làm to như đền chùa cung điện, tài nghề của thợ chỉ có thể trổ ra ở trang sức mà thôi, như ở cột kèo, rầm ngang xà dọc, con sơn, cửa võng, cửa bức bàn, cửa trấn song. Các tường hoa mái dốc nóc nhà thường đắp thành hổ phù hoặc tứ linh. Đằng trước những tòa thành lớn và đình chùa dinh thự, cung điện thường có một bức bình phong rồi mới đến cửa vào, có hai hoặc bốn cột trụ hoặc cửa tam quan trên có gác canh hoặc lầu chuông. Ở bốn mặt thường có thành cao vây bọc. Khi một sở có nhiều nhà thì thường cách nhau bằng những sân rộng, ở trong có bình phong bể cạn, chậu cảnh cùng đình tạ. Xung quanh các tòa nhà đồ sộ nghiêm trang đó, thường có cây cối um tùm và ao hồ rộng rãi, làm cho cảnh trí thêm vẻ oai nghiêm và thoải mái. Các lăng tẩm ở Huế sở dĩ là những nơi thắng cảnh ở kinh đô, phần nhiều là nhờ cảnh trí thiên nhiên khéo dung hợp với công trình nhân tạo(4). Sự dung hợp nhân tạo với thiên nhiên là cốt lõi của kiến trúc truyền thống.

Xin lấy một ví dụ: hồ Hoàn Kiến, giữa hồ có Tháp Rùa cao vừa phải, phù hợp với diện tích mặt nước hồ. Quanh hồ, trồng cây cao tương ứng với Tháp Rùa. Rồi từ đó, cây trồng và nhà xây cứ cao dần lên đến tận bờ đê, như Nhà Hát Lớn, Ngân hàng quốc gia….Tháp Rùa trở thành “rốn” của lòng chảo xanh rờn cây lá, điểm xuyết những đốm trắng đốm đỏ của các mái nhà ẩn hiện trong nền lá xanh. Vào những ngày lễ hội, buổi tối Tháp Rùa lung linh trong ánh điện bóng mờ, quanh hồ vương vãi những đốm trắng xanh từ bóng điện của các tòa nhà cao thấp ẩn hiện trong màn xanh trông chẳng khác gì một vòm trời đêm đầy sao trăng đảo ngược! (Ngày nay, quanh hồ xây những tòa nhà cao tầng, trông hồ chẳng khác gì cái ao làng !)

Ngày nay, xã hội đang phát triển. Việc xây nhà dựng cửa cho gia đình, con cháu được thuận tiện hơn. Dù ở nông thôn hay thành thị thì tiêu chí đầu tiên vẫn là hướng: Làm nhà trông hướng . Hướng Nam vẫn được coi là hướng thích hợp nhất. Ở những nơi có điều kiện đất đai thì đất dựng nhà tốt nhất là vuông vắn hoặc hình chữ nhật nhưng chiều dài chạy theo hướng Nam- Bắc, chiều rộng theo hướng đông – tây là thích hợp hơn cả. Nếu nhà có nhiều đơn nguyên trong một khuôn viên thì thường ngôi nhà chính đặt ở hướng nam và cao hơn ngôn nhà phụ. Nếu chia làm nhiểu gian thì số gian thường là số lẻ, số gian phía đông và phía tây bằng nhau. Cổng lớn đặt chếch về phía đông – nam. Trước cổng không nên có hai ao, (hoặc hai giếng). Rất kỵ cửa ra vào và cửa sổ đối diện nhau, không để mặt trước nhà và mặt sau nhà đều có cửa. Cửa sổ không cao hơn và rộng hơn cửa ra vào. Ngay các lớp ngói, xà ngang, đòn dọc… tất cả đều nên là số lẻ.

Ở vùng thôn dã, người ta hay dùng tiếng “thổ mộc” để nói đến việc xây dựng. Đất (thổ) và gỗ (mộc) là nền tảng đầu tiên để kiến tạo không gian cư trú. Trong kiến trúc cổ truyền, kết cấu khung gỗ (hệ thống cột, xà ngang, xà dọc, bộ khung mái…) đóng vai trò chủ chốt. Toàn bộ sức nặng của mái nhà và độ vững chãi của ngôi nhà đều dựa vào bộ khung kết cấu gỗ này.

Tường vách (ngày trước là đất nện, sau này là gạch) chỉ đóng vai trò ngăn cách không gian (ngoại thất, nội thất), vì vậy trong dân gian mới có câu “tường đổ nhà vẫn còn”. Khi làm ra được ngói thì bộ khung mái được cải tiến, gia cố thêm. Nhiều bộ phận mới được sáng tạo ra nhằm tăng cường độ vững bền của toàn bộ kết cấu khung nhà, như kết cấu chồng đấu, củng, kẻ, bẩy…, hệ thống cột cái con…, không những có giá trị thực dụng mà còn có giá trị thẩm mỹ vì thường được chạm, khắc, tô vẽ công phu, tỉ mỉ. Thế rồi bậc thầm, lan can, mái ngói lưu ly, khung cửa, cánh cửa…tất cả đều là những bộ phận kiến trúc mà các nghệ nhân điêu khắc, hội họa có thế tha hồ đua nhau trổ tài nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp của nội thất, ngoại thất, tạo ra những kiểu thức kiến trúc đa dạng.

Còn nhà dân thì hầu hết được xây cất trên cơ sở bộ Khung kết cấu hoặc tre. Vào thời trước, không được làm thềm cao nhiều bậc, không được làm lầu gác cao quá mui xe kiệu của vua quan, không được chạm trổ các bộ phận gỗ, không dược dùng sơn vôi màu đỏ, màu vàng…

Thời trước, trong giới quý tộc còn có kiểu cư trú “tứ hợp viện” (nhà ở quây quanh bốn mặt) hoặc “tam hợp viện” (nhà ở quây quanh ba mặt sân). Có thể coi đây là một loại “chung cư”(5). Chung cư ngày xưa là của quý tộc gồm nhiều thế hệ, cso những quy cách nhất định (có dịp sẽ xin bàn đến sau). Chung cư ngày nay, cũng có nơi gọi là cư xá- là của toàn dân, có nhiều loại hình và bố cục khác nhau dành cho gia đình những người có điều kiện kinh tế và vị trí xã hội khác nhau.

Chung cưa hay nhà ở, lâu đài, biệt thự của người Việt trước cũng như nay đều được xây dựng theo thế phong thủy khác nhau tùy từng vùng, miền nhằm đảm bảo một cuộc sống ổn định yên lành cho con người cư ngụ.

30-11-2009

Chú thích:

1.     H. Gourdon, Sur l,art annamite, Revue Indochinoise

2.     Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn phương, 1938, tr 282.

3.     Đào Duy Anh, sđd, tr 283.

4.     Đào Duy Anh, sdd, tr 283,284.

5.     Đặng Đức Siêu, Văn hóa Trung Hoa, NXB Lao Động, 2004, tr 256.