TBKTSG: Thắp sáng ngôi nhà mơ ước theo Phong thủy

TBKTSG: Thắp sáng ngôi nhà mơ ước theo Phong thủy

NHAXUAN.VN – Một căn nhà đầy đủ ánh sáng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn làm cho con người cảm thấy thư giãn và tràn đầy sinh khí. Ngược lại, một căn nhà tối tăm, u ám luôn sẽ không tốt cho sức khỏe và tâm lý người ở. Năng lượng từ ánh sáng giúp kích hoạt và tăng cường sức sống cho mỗi người. Hiểu và sử dụng ánh sáng đúng cách là điều không thể xem thường trong việc bài trí Phong thủy của ngôi nhà.

Ánh sáng trong khoa Phong thủy

Anh -sang 1

Trong vũ trụ, nguồn năng lượng tỏa ra từ bầu trời. Ánh sáng kết nối ta với vũ trụ và tưới tắm nguồn năng lượng cho chúng ta. Ánh sáng được phân ra hai loại: ánh sáng thiên nhiên từ mặt trời và ánh sáng nhân tạo từ đèn.

Đối với thuật Phong thủy, ánh sáng mặt trời và đèn thường được dùng làm cách bổ cứu căn bản, để sửa sai cho sự mất cân bằng của luồng khí lưu chuyển hay nguồn ánh sáng cung cấp cho một không gian. Nguồn ảnh huởng này chính là thành tố quan trọng ảnh hưởng vào tính cách và sức năng động của chủ nhà.

Cụ thể trong không gian sống luôn có cả vùng âm lẫn vùng dương :

Vùng âm đặc trưng là trạng thái tĩnh, gián đoạn. Trong ngôi nhà, vùng âm biểu hiện ở góc khuất là những không gian cố định, không bị đi xuyên qua hoặc chỉ nhìn thấy mà ít sử dụng. Bóng tối, lạnh và ẩm thấp tiêu biểu cho tính âm.

Ngược lại, vùng dương đặc trưng là mặt cong, tròn, trạng thái động, liên tục. Trong ngôi nhà, nó tồn tại ở những khu vực hoạt động thường xuyên như cổng, cửa ra vào, cửa sổ, chỗ trống có thể đi qua, hành lang, cầu thang…Ánh sáng, sự ấm áp tiêu biểu cho tính dương. Theo Dịch lý, mỗi ngôi nhà cần hài hòa âm dương để tạo sự cân bằng năng lượng, tránh để âm thịnh dương suy hoặc ngược lại.

Ngôi nhà dù có nhiều cửa rộng, ánh nắng chan hòa thì vẫn cần bình phong, màn che để làm dịu đi phần ánh sáng mặt trời vào ban ngày và bổ sung đèn chiếu sáng vào ban đêm. Sự kết hợp giữa các yếu tố âm dương như vậy sẽ tạo nên cân bằng và điều hòa nguồn khí lưu chuyền.

 

Thiết kế ánh sáng cho các không gian trong nhà

 

Để sử dụng ánh sáng hiệu quả, trước hết cần hiểu tính chất và công năng của từng không gian trong nhà. Trong các phòng sinh hoạt nhiều như nhà bếp, phòng khách và những khu vực cần sự an toàn như cầu thang, hành lang thì ánh sáng trực tiếp là cần thiết. Ở những phòng dùng để nghỉ ngơi như phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ, chúng ta có thể dùng ánh sáng dịu hơn, loại phản chiếu lại hoặc khuyếch tán.

o       Phòng khách

 

Một phòng khách lý tưởng phải đón được ánh sáng tự nhiên để tăng thêm dương khí. Bên cạnh đó việc sử dụng đèn cũng hết sức quan trọng. Đèn treo trong phòng khách có hai chức năng. Chức năng chiếu sáng và chức năng trang trí. Để cho các thành viên trong gia đình trong quá trình sinh hoạt như đọc báo, xem tivi, sử dụng vi tính được ở trong điều kiện chiếu sáng tốt nhất thì khi thiết kế phải xem xét đến các loại tính năng của đèn.

Đèn phòng khách phải thể hiện được sự ấm cúng và sang trọng. Chúng ta có thể thiết kế cho phòng khách những ngọn đèn chùm, đèn tuýt, đèn hắt hoặc đèn âm trần, âm tường. Ưu điểm của đèn chùm chính là sự sang trọng quý phái, còn đèn âm trần, âm tường có thể khiến cho phòng khách độc đáo hơn bằng những nguồn ánh sáng trang trí ở những góc đặc biệt. Tuy vậy, khi sử dụng đèn nên tránh những loại đèn hình thức có nhiều mũi nhọn chĩa xuống sẽ tạo ra cảm giác bất an cho người ở trong phòng.

o       Phòng ngủ

anh-sang 2

Phòng ngủ là không gian nghỉ ngơi kín đáo nhất, cho nên việc phối hợp các đồ nội thất, màu sắc, rèm cửa trang trí và lựa chọn chất liệu … phải đạt hiệu quả cao, hài hòa về phong cách thiết kế. Ánh sáng trong phòng ngủ phải dịu. Phòng ngủ không nên ba mặt đều lắp kính, gây ánh sáng phản chiếu chói chang dễ kích động thần kinh, bất giác bị căng thẳng, rất bất lợi cho sức khỏe.

Ánh sáng đèn trong phòng ngủ cần chú ý không nên quá sáng và quá trắng, sẽ ức chế giấc ngủ của bạn. Nên để ánh sáng tương đối dịu và sử dụng đèn chụp, ngoài ánh sáng vàng những bóng sáng phối màu lam cũng nên sử dụng như một liều thuốc ngủ tốt. Đèn chiếu sáng toàn bộ nên có hai công tắc, một ở cửa ra vào phòng ngủ và ở cạnh đầu giường. Trong phòng ngủ nên có một bóng đèn điều chỉnh độ sáng theo ý muốn.

o       Phòng bếp

Bep 1

Ánh sáng trong phòng bếp có yêu cầu rất cao bởi bề ngoài của thức ăn ngon mắt hay không được quyết định bởi ánh đèn. Ánh sáng được thiết kế hợp lý sẽ làm thức ăn ngon hơn và tạo cảm giác thèm ăn. Nếu thời gian sinh hoạt trong bếp lâu thì ánh đèn phải đủ độ sáng. Có vậy mới nâng cao được sự hấp dẫn của món ăn. Thông thường để chiếu sáng trong bếp, người ta hay dùng loại đèn trần tản nhiệt âm tường hoặc chìm một nửa vào trong tường.

Nếu phòng bếp cũng là phòng ăn thì nên dùng loại đèn có thể nâng cao hạ thấp được hoặc đèn treo nhiều tầng. Màu của đèn nên chọn loại có màu ấm áp, thiên về tông màu đỏ hoặc vàng, không nên chọn đèn huỳnh quang, ánh sáng trắng, lạnh sẽ bất lợi cho khí thế ẩm thực.

o       Phòng làm việc

 

Nguyên tắc bố trí ánh sáng trong phòng làm việcnên thiên về ánh sáng tự nhiên, mát dịu, không nên cho thêm màu sắc nào. Làm như vậy sẽ tránh được sự mệt mỏi. Ánh sáng phòng nên trung thực, gần như nguồn sáng tự nhiên. Không được dùng đèn chiếu có ánh sáng màu vì dễ làm hoa mắt, chóng mặt. Ngoài ra, nên dùng ánh sáng từ đèn sợi đốt cho việc đọc tránh dùng các nguồn sáng có được từ phản xạ hoặc từ các loại đèn neon tiết kiệm điện.

Một căn nhà sẽ không thể đạt được giá trị đích thực của chốn an cư nếu không có tổ chức chiếu sáng hài hòa. Ánh sáng có khả năng nạp năng lượng, kích hoạt và thúc đẩy người ta hành động. Việc soi sáng đầy đủ trong nhà sẽ giúp kích thích chúng ta đạt được mục tiêu trong đời sống. Hãy dùng ánh sáng để kích thích tính năng động và kết nối các thành viên trong ngôi nhà của bạn.

Chuyên gia Phong thủy Phạm Cương

(Nguồn: Thời báo kinhh tế Sài Gòn)