(TT&VH) – Là Trưởng Văn phòng đại diện, Trung tâm nghiên cứu Lý học Ðông Phương tại Hà Nội, KTS Phạm Cương đã đóng góp 2 tham luận trong tổng số 14 tham luận của hội thảo “Giải mã” phong thủy vừa qua. Điểm nổi bật trong các luận điểm của anh là chứng minh phong thủy cũng chính là “nghệ thuật sắp đặt” (không gian) của các KTS thời nay. Nhiều ví dụ anh dẫn ra đã được TT&VH phản ánh trong kỳ trước.
Anh chia sẻ:
– Khi bắt đầu nghiên cứu phong thủy, tôi đang ngồi trên giảng đường để trở thành KTS. Cho đến giờ, việc nghiên cứu phong thủy, tôi đặt dưới góc nhìn của người làm kiến trúc và luôn tôn trọng tính logic, tính khoa học của một vấn đề.
Theo tôi, rõ ràng phong thủy cổ truyền và kiến trúc hiện đại có những điểm tương đồng với nhau. Tuy nhiên, ở một mặt nào đấy, phong thủy cổ truyền thiên về định tính còn kiến trúc hiện đại thì thiên về định lượng. Có những phần so với phong thủy, kiến trúc tỏ ra vượt trội, nhất là trong lĩnh vực vật lý kiến trúc, về khí hậu môi trường. Cũng có rất nhiều bí ẩn của phong thủy, nhưng cho tới nay khoa học hiện đại vẫn chưa giải thích rõ được.
* Nếu phong thủy là một cách “sắp đặt không gian” riêng biệt, thì khai thác giá trị của nó, chúng ta có thể có những “trường phái kiến trúc phong thủy” đậm đà bản sắc dân tộc. Ông nghĩ sao về lập luận này?
– Theo tôi, ý tưởng về trường phái “kiến trúc phong thủy” của anh đưa ra là hoàn toàn khả thi. Cá nhân tôi cho rằng khi kiến trúc kết hợp với phong thủy sẽ càng tiến tới sự hoàn thiện cũng như bền vững hơn.
* Vậy phong thủy đã được xây dựng thành môn học trong trường kiến trúc, xây dựng chưa, hay mới chỉ có những áp dụng riêng lẻ một vài kinh nghiệm về phong thủy?
Muốn “tách bạch hóa” phong thủy và mê tín “Từng buớc đưa phong thủy vào trong các trường đại học để nghiên cứu một cách khoa học, nhằm tách bạch hóa phong thủy với tôn giáo hoặc mê tín dị đoan. Đấy chính là những vấn đề lớn mà chúng tôi – những người nghiên cứu về phong thủy vẫn còn trăn trở” (KTS Phạm Cương). |
– Theo những thông tin của tôi thì hiện thời, chương trình của Bộ GD&ĐT chưa có bộ môn học về phong thủy. Có số ít những trường ngoài công lập đưa phong thủy vào giới thiệu ở những tiết học phụ. Theo tôi, đây là một trong những điều bất cập và cũng là thiệt thòi của các sinh viên kiến trúc – xây dựng; mà như chúng ta biết, phong thủy đang là nhu cầu có thật và rất thiết thực của người dân, những người có nhu cầu về xây dựng.
* Anh có thể phân tích rõ hơn về việc “lộ cốt’ của tòa nhà Dinh Độc Lập (xem kỳ trước). Anh có thực sự tin rằng tòa nhà lộ cốt ấy ít nhiều ảnh hưởng đến các chủ nhân của tòa nhà này trước đây hay chẳng qua là gán cho những gì lịch sử đã diễn ra?
– Phong thủy có một câu nói rất quan trọng “hình nào thì khí đó”, các cụ ta thì có câu “trông mặt mà bắt hình dong” như vậy để nói là: qua hình tượng có thể nói đuợc một phần tính chất của đối tượng đã biểu hiện qua hình dáng bên ngoài đó. Người Á Đông ta luôn biết cách nhân cách hóa sự vật hiện tượng, ngôi nhà cũng được tưởng tượng theo dáng vẻ con người, có mặt mũi tay chân. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung những hàng cột bên ngoài của tòa nhà đó như những chiếc xương ống, xương đùi bị phô bày. Hình tượng mà lộ xương, lộ cốt như thế, thì phong thủy đánh giá là “suy khí”, là không hay, thường chủ về tính không thịnh vuợng dễ suy tàn. Công trình dân sinh cũng tương tự như vậy.
Phong thủy “kiêng kị” việc đặt bàn làm việc, giường ngủ dưới chiếc dầm.
Dưới ánh sáng khoa học thì đặt như vậy người sử dụng sẽ “chịu hiệu ứng
từ trường do khối lượng sắt thép bên trong dầm tương tác”
* Phân tích của anh về khách sạn T. bên bờ hồ Tây hết sức lý thú. Từ bố cục tòa nhà khách sạn này hình chữ thập (khi nhìn ảnh vệ tinh trên Google Earth) anh đã căn cứ trên phong thủy để suy đoán rằng việc kinh doanh ở đây gặp khó khăn và thậm chí cả vấn đề “nội bộ” của họ nữa. Anh thực sự có điều tra thực địa trước đó hay hoàn toàn là suy đoán theo phong thủy?
– Trường hợp khách sạn đó cũng là một phần trong các nghiên cứu thực tế nhằm kiểm nghiệm tính hợp lý và đúng đắn của phong thủy. Bởi vì một lý thuyết đúng sẽ có khả năng dự báo hoặc kiểm chứng vấn đề. Tất nhiên cần biết thực tế ra sao để còn kiểm nghiệm. Tại diễn đàn trên trang thông tin điện tử của trung tâm chúng tôi, qua tư liệu được đưa lên bằng những tấm hình, từ bản đố vệ tinh hay chỉ qua sơ đồ nhà, những ngôi nhà thậm chí ở châu Âu, ở bên Mỹ xa xôi, nơi tôi còn chưa đặt chân tới, cũng có thể đưa ra những phân tích và phán đoán với độ chính xác cao về tình hình xảy ra trong ngôi nhà và các biểu hiện của con người sống trong đó. Tất nhiên, những phán đoán này được đưa ra từ những nghiên cứu về phong thủy, và phong thủy phải có tính logic thế nào mới có thể đưa ra được những dự đoán như vậy.
* Anh vạch ra những điều cần tránh về mặt phong thủy ở công sở, văn phòng, căn hộ (tránh dầm nhà cắt ngang, không để bếp đối diện với bồn rửa…). Những điều cần tránh ấy có phù hợp với các quy tắc tổ chức không gian của nghệ thuật kiến trúc hiện đại, hay nó chỉ là những kiêng kị mang màu sắc thị dân? Nếu cần thiết như anh phân tích thì có lẽ nên đưa thành những “quy chuẩn” kiến trúc – nên chăng?
– Thường một KTS có nghề hoặc một kỹ sư xây dựng giỏi về kết cấu cũng sẽ không bao giờ để một chiếc dầm đè lên mặt bàn làm việc hoặc đưa ra phương án phòng ngủ có một cây dầm đè lên giường ngủ. Tuy nhiên, những lỗi khá thường gặp như “Thủy Hỏa bất tương xung” mà tôi có đề cập khi chiếc bếp nấu đối diện với bồn rửa thì chỉ có số ít những người hiểu biết về phong thủy mới chú ý đến và tránh được.
Bởi vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, rõ ràng những yếu tố cần lưu ý về mặt phong thủy cũng nên được tổng hợp và sớm đưa vào làm tài liệu để các sinh viên kiến trúc – những KTS của tương lai nhận biết được. Để sau này, khi thiết kế nhà cho người dân hoặc cho cộng đồng, những mẫu thiết kế của họ không chỉ tạo nên những ngôi nhà đẹp về thẩm mỹ mà còn góp phần đem lại những tổ ấm thực sự cho các gia đình.
* Xin cảm ơn anh!
Đông Kinh (Theo Thể thao Văn hóa)