Khí trong Phong thủy và mô hình đồng dạng cơ học chất lưu

KHÍ TRONG PHONG THỦY VÀ MÔ HÌNH ĐỒNG DẠNG CƠ HỌC CHẤT LƯU

Ths.  Hà Mạnh Hùng

Thành viên nghiên cứu phong thủy Lạc Việt Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương

(Tham luận trong Hội thảo “Tính khoa học của phong thủy trong kiến trúc và xây dựng”)

Trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và thực hành của nhóm Phong Thủy Lạc Việt nhằm mục đích chứng minh tính khoa học của những giá trị ứng dụng trong Phong Thủy, tìm hiểu khám phá những bí ẩn của Phong Thủy, đã có những thành tựu nhất định. Ngoài những ứng dụng có hiệu quả trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã có nhiều bài viết có giá trị về mặt lý luận hay đề ra những phương pháp nghiên cứu hiệu quả.

Dưới đây là bài viết của Thạc sĩ Hà Mạnh Hùng bàn về phương pháp ứng dụng “Mô hình đồng dạng cơ học chất lưu” nhằm khám phá sự tương tác của khí trong phong thủy ứng dụng

 

 

I – Khí và khái niệm phong thủy

Phong thủy là gì? Từ xưa đến nay đã có rất nhiều ý kiến không thống nhất về nguồn gốc tên gọi khoa Phong thủy. Tên gọi của sự vật, hiện tượng thường có nguồn gốc liên quan chặt chẽ đến sự vật hiện tượng đó. Đặc biệt nếu tên có dạng từ ghép được tạo thành từ các đơn từ nguyên nghĩa khác. Theo lẽ tự nhiên tên gọi Phong thủy cho thấy khoa nghiên cứu này có liên quan chặt chẽ tới “gió” và “nước”.

Vậy sự liên hệ đó là gì?

Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa “Phong thủy” là:

“Thuật xem đất để chọn nơi xây thành quách, cất đình chùa hoặc dựng nhà cửa, đặt mồ mả.”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có ghi:

“Phong thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người.

Về mặt từ nguyên, phong có nghĩa là “gió”, là hiện tượng không khí chuyển động và thủy có nghĩa là “nước”, là dòng nước, tượng trưng cho địa thế.

Sách Táng thư viết:”Mai táng phải chọn nơi có sinh khí”. Kinh viết: Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) thì dừng. Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do vậy mà có tên là “phong thủy”.

“Khí” là yếu tố quan trọng hàng đầu, cốt tủy trong nghiên cứu phong thuỷ, là động lực của sự hình thành và phát triển của vạn vật. Khí được ví như nhiên liệu cho động cơ. Để động cơ hoạt động hiệu quả cần có nhiên liệu phù hợp với cấu trúc vận hành của động cơ. Hay nói một cách khác như là hệ quả của mệnh đề trên:

Chính cấu trúc vận hành của động cơ quyết định nhiên liệu phù hợp.

Trong cổ thư để lại khái niệm khí rất trừu tượng, đòi hỏi người nghiên cứu phải tự tìm hiểu, tổng hợp những trường hợp ứng dụng cụ thể để có cảm nhận về nội dung khái niệm khí. Do sự trừu tượng này, mỗi người có cảm nhận khác nhau, không có tiêu chí để phân định đúng sai, gây nhiều tranh cãi.

Khoa học hiện đại cũng đã ghi nhận sự tồn tại của một dạng vật chất đặc biệt bao quanh vật thể sống, có thể chụp ảnh bằng thiết bị đặc biệt. Đó cũng là một hình thức của khí theo quan điểm của Phong Thủy Lạc Việt.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu Phong Thủy Lạc Việt thì cái tên Phong thủy không nên hiểu đơn giản là gió và nước. Phong Thủy Lạc Việt thừa nhận sự tồn tại của “Khí” nói chung và khí trong phong thủy – một dạng vật chất đặc biệt được hình thành do sự tương tác giữa các vật thể.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương, đưa ra định nghĩa:

Khí là một dạng tồn tại của vật chất, được hình thành bởi sự tương tác và vận động của những vật thể vật chất, đồng thời tương tác lên các vật thể vật chất ấy.

Tính chất của khí phụ thuộc vào tính chất cấu trúc và tương tác của các vật thể vật chất. Sự vận động của khí được định hình tùy theo vị trí các dạng cấu trúc vật thể vật chất tương tác hình thành nên nó.

Trong phạm vi bài tham luận này, chúng tôi không đi sâu phân tích về bản chất của khí mà tìm cách đưa ra một mô hình để nghiên cứu sự vận động của khí và ảnh hưởng của nó với môi trường xung quanh. Trước hết ta nhận diện một số đặc điểm của “Khí” để xây dựng mô hình nghiên cứu phù hợp:

Từ định nghĩa về khí trình bày ở trên, đưa ra một định hướng nghiên cứu bắt đầu từ quan niệm khí là một dạng vật chất, có đầy đủ các thuộc tính của vật chất. Đặc điểm quan trọng là “Khí” có tính linh hoạt trong vận động, chịu ảnh hưởng của cấu trúc môi trường và vật dẫn từ vi mô đến vĩ mô. Khí cũng có thể phân làm nhiều loại theo phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành, trong đó sự phân loại có tính khái quát nhất là Dương khí và Âm khí. Khí thường gặp nhất trong phong thuỷ là Dương khí. Dương khí vận động trên mặt đất, chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng trực tiếp đến các vật thể trên mặt đất, đặc biệt là vật thể sống. Do vậy chúng ta sẽ tập trung trước hết vào mô hình vận động của Dương khí.

II – Khí và mô hình đồng dạng cơ học chất lưu

Theo nhóm nghiên cứu Phong Thủy Lạc Việt, cái tên Phong Thủy bắt nguồn từ đặc tính quan trọng nhất của khí, đó là tính linh động. Khí không có hình dạng cố định mà tuỳ thuộc vào tính tương tác nội tại của cấu trúc vật thể tạo ra nó (Phong thuỷ Lạc Việt định nghĩa là Âm khí là: “Khí hình thành trong vật thể liên quan đến hình thức vật thể”), hoặc hình thành do sự tương tác giữa các vật thể – tùy theo cách quan sát và phân loại đối tượng quan sát – gọi là Dương khí). Khí có thể lan truyền trong không gian, bị chắn và đổi hướng khi gặp vật cản. Đây là những đặc điểm cơ bản của chất lưu, vì vậy chúng tôi đề nghị sử dụng mô hình đồng dạng cơ học chất lưu trong nghiên cứu sự vận động của khí.

Trong nghiên cứu khoa học, không phải mọi thứ đều có thể nghiên cứu bằng thực nghiệm trên mô hình thực, khi đó người ta phải xây dựng các mô hình nghiên cứu bằng phương pháp đồng dạng rồi tính toán, dự đoán tác động thực tế từ kết quả đo đạc trên mô hình. Khi nghiên cứu sự vận động của “Khí”, ta chưa có phương tiện đo đạc chính xác, nên việc xây dựng mô hình đồng dạng tương đương để nghiên cứu là rất quan trọng, giúp chúng ta dự đoán chính xác hơn sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường tới cuộc sống của con người và xã hội.

Theo sách cổ để lại “Khí” gặp gió thì tán, nghĩa là “Khí” nhẹ, lẫn vào không khí nên bị gió cuốn đi. Nếu gió nhẹ vừa phải sẽ có tác dụng dẫn khí lưu thông, được coi là tốt. Còn gió mạnh làm tán khí, mất khí lại là không tốt. Sách cũng ghi “Khí” gặp nước thì dừng. Thường thì khí trong tự nhiên vận động dựa theo sức mang của không khí, khi gặp vật cản sẽ đổi hướng theo dòng khí. Khí gặp nước thì dừng nghĩa là nước có khả năng giữ khí lại, khái niệm chuyên môn của phong thuỷ là “Tụ khí”. Hay nói một cách mang tính hình tượng hơn là nước có khả năng hút khí, hòa tan khí. Nước chảy chậm rãi, có chỗ dừng là rất tốt vì mang được khí tươi mới đến và lưu lại ở đó. Đó là nguyên nhân để các chuyên gia phong thuỷ nhìn dòng nước chảy để dự đoán khí vận trong lòng đất mà từ chuyên môn gọi là “Long mạch”. Tính chất của khí sẽ khác nhau tuỳ theo sự tụ thuỷ, sức chảy mạnh yếu trong lưu thông của dòng nước…..

Như vậy trong mô hình cơ học chất lưu đề nghị để nghiên cứu sự vận động, “Khí” được mô phỏng như là một chất lưu có các đặc tính sau:

* Có tính tụ hoặc tán.

* Có khối lượng quán tính nhỏ, dễ bị gió cuốn đi

* Có thể coi như độ nhớt động học thấp

* Có thể coi như có tính dính ướt mạnh với các vật thể có độ ẩm và nhiệt độ phù hợp, đặc biệt là vật thể sống, sinh vật

“Khí” cần lưu động nhẹ nhàng, bình ổn mới có tác dụng tương tác tốt. Cũng giống như với các chất lưu khác, dòng chảy tầng bình ổn là dòng chảy lý tưởng được coi là mang sinh khí đến.

Dòng chảy hỗn tạp, chảy rối, dòng xoáy hay các dạng dòng chảy hẹp, vòi phun, dòng xung kích đều không tốt, gây nguy hiểm.

Chúng ta có thể hình dung tính chất thủy khí động học của “Khí phong thủy” gần giống của nước, trừ tác dụng của trọng lực, để dễ dàng cho việc khảo sát. Dòng nước chảy siết, nước xoáy mạnh cũng tạo ra xung khí, tạp khí. Nếu dòng nước bẩn thỉu, hôi hám thì khí cũng sẽ bị uế tạp, không còn mang được năng lượng sống cho con người nữa.

Với các giả thiết như vậy chúng ta thử áp dụng để giải thích một số quan điểm phổ biến trong Phong thủy.

Tại sao minh đường lại cần tụ thủy?

Ta thấy rằng minh đường là nơi nạp khí cho cả căn nhà. Khí tụ ở minh đường là một trong các điều kiện quan trọng để đảm bảo cho ngôi nhà được vượng khí. Vì “khí” có khả năng tụ trong nước nên thủy tụ ở minh đường sẽ giúp khí tụ. Để tăng cường khả năng hấp thụ khí ta có thể làm đài phun nước tuần hoàn. Các hạt nước nhỏ phun lên làm tăng diện tích tiếp xúc với khí, giúp tụ được nhiều khí hơn.

Tại sao kiêng kỵ đường đi, dòng sông, suối đâm vào nhà?

Khí chuyển động dọc theo đường đi, sông suối tạo thành một dòng khí hẹp có tốc độ chuyển động lớn. Theo quán tính dòng khí này giống như luồng nước ra khỏi vòi phun nước cứu hỏa bắn mạnh về phía trước. Xung lực của dòng khí này càng mạnh khi đường càng đông người qua lại với tốc độ cao (xe cơ giới) hoặc sông suối chảy siết, càng trở nên nguy hiểm. Tương tự như vậy khe hẹp giữa hai nhà cao tầng cũng làm tăng tốc xung khí khi có gió thổi qua và gây nguy hiểm. “Khí” có độ nhớt động học rất thấp và ít chịu tác động của trọng lực nên xung khí tạo ra có thể phóng đi rất xa. Trên thực tế, ta có thể không cảm nhận được tác động của gió qua khe hẹp nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi xung khí.

Mô hình dòng khí và bài toán giảm tai nạn giao thông

Các phương tiện lưu thông trên đường mang khí đến và cuốn khí theo. Xe chạy càng nhanh thì xung khí càng mạnh. Ta mô phỏng các luồng đường bằng các ống nước tương ứng. Vì sự vận động của khí chịu sự ảnh hưởng của các phương tiện giao thông, nên ta thêm các hạt bọt biển nhẹ vào nước để mô hình thêm phần chính xác.

Trường hợp đơn giản nhất với đường một chiều, một làn không có giao cắt đồng mức, một ống nước có thể mô phỏng được.

Khi cho nước chảy chậm và đều đặn, dòng nước chảy tầng, không xuất hiện xoáy nước dị thường, mô hình cho thấy sự lưu thông an toàn. Khi có bất thường xảy ra trên đường như có vật cản (mô hình bằng vật cản trong ống), có giao cắt đồng mức (mô hình bằng dòng chảy giao cắt) ta quan sát thấy sự rối loạn của dòng chảy, tạo thành các xoáy khí. Sự rối loạn này là biểu hiện của tạp khí. Tạp khí xuất hiện trên đường sẽ tác động trở lại tới các phương tiện giao thông và dẫn đến va chạm. Ngăn cản, giảm thiểu sự hình thành tạp khí trên đường là một biện pháp quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Vậy làm thế nào để hạn chế sự hình thành tạp khí? Từ mô hình thủy khí động học ta có các phương án hạn chế như: đặt ống riêng biệt, đặt van điều tiết, đặt bình nối, dùng ống nối vòng tròn. Các phương án đó tương ứng với các biện pháp thông dụng như xây dựng đường giao cắt không đồng mức (cầu vượt, hầm chui), phân luồng giao thông bằng đèn tín hiệu (trên mô hình là các van điều tiết), mở rộng nút giao thông & làm đảo giao thông đều có tác dụng hạn chế sự hình thành tạp khí ở các mức độ khác nhau.

Rối loạn dòng chảy còn gây ra từ thành ống gồ ghề, cấu trúc phức tạp. Trên thực tế đây là sự tương tác trở lại của các vật thể bên đường như nhà cửa, cây cối,… Để hạn chế yếu tố này cần đảm bảo hai bên đường có vỉa hè rộng, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường, không để biển hiệu, bục bệ cản trở đường vận động tự nhiên của khí, hình thái xây dựng của các nhà mặt đường cần tương đồng, tránh các cấu trúc thò thụt vụn vặt.

Ta cũng thử thí nghiệm so sánh giữa dòng chảy trong một máng uốn cong và một máng bẻ ngoặt gấp. Cùng tốc độ dòng chảy thì xung lực gây ra tại điểm ngoặt của máng lớn hơn rất nhiều so với ở máng cong đều. Với dòng chảy một chiều đã vậy, nếu là hai dòng chảy trái chiều nhau thì ở điểm ngoặt sẽ có sự va chạm lớn của hai dòng chảy. Như vậy trên thực tế xác suất xảy ra va chạm ở các điểm ngoặt gấp của con đường sẽ lớn hơn nhiều ở các đoạn khác nếu các phương tiện lưu thông không giảm tốc độ. Theo phương pháp phong thủy thì một gương cầu lồi cỡ lớn treo ngay tại góc ngoặt sẽ có tác dụng tán bớt xung khí và giảm được nguy cơ va chạm.

Đó là một số thử nghiệm diễn giải định tính. Bây giờ ta thử dùng một số công thức quen thuộc của cơ học chất lưu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của xung khí phong thủy.

Khi nghiên cứu dòng chảy chất lỏng ai cũng đều biết phương trình Bernoulli cho chất lỏng lý tưởng dựa trên định luật bảo toàn năng lượng, theo đó tổng áp năng, thế năng và động năng của dòng chảy là không đổi. Dạng đơn giản của phương trình coi dòng chảy trên mặt phẳng ngang và bỏ qua yếu tố trọng lực thì tổng áp năng và động năng không đổi. Chúng ta sử dụng dạng đơn giản này là phù hợp khi nghiên cứu “khí”. Động năng của dòng chảy tại một điểm tỉ lệ với bình phương vận tốc dòng chảy tại điểm đó. Khi dòng chảy bị dừng đột ngột thì toàn bộ động năng chuyển thành áp năng. Nói một cách khác, áp lực của dòng khí lên vật cản tỉ lệ với bình phương tốc độ dòng khí.

Áp dụng cho một con đường thì xung lực của dòng khí tỉ lệ với bình phương tốc độ di chuyển của phương tiện lưu thông. Như vậy xe chạy càng nhanh thì xung lực của dòng khí tác động vào ngôi nhà ở cuối con đường càng trở nên nguy hiểm. Trường hợp đường giao nhau cũng vậy, xe chạy càng nhanh thì xoáy rối tạo thành càng mạnh và càng nguy hiểm.

Áp dụng cho trường hợp khí vận động qua khe hẹp, hành lang… thì tốc độ dòng khí tăng vọt tỉ lệ với độ suy giảm diện tích của mặt cắt (do lưu lượng không đổi của chất lỏng lý tưởng), dẫn đến áp lực của xung lực tăng lên gấp nhiều lần. Điều này lý giải vì sao vòi phun cứu hỏa có thể phun được rất xa, hay máy cắt tia nước có thể cắt được cả đá hoa cương và thép tấm. Do vậy các ống hẹp, khe hẹp, quốc lộ thẳng và dài có thể gây tác động rất tiêu cựu trong phong thủy.

III – Kết luận

Một số phân tích trên đây mang tính tham khảo cho thấy mô hình đồng dạng cơ học chất lưu có thể được sử dụng như một công cụ để nghiên cứu các hiệu ứng tương tác khí trong phong thủy theo quan niệm của Phong Thuỷ Lạc Việt một cách có hiệu quả. Hướng nghiên cứu này cần được mở rộng hơn nữa để có thể nghiên cứu cả địa khí trong âm trạch.

Sự liên hệ này về khí trong phong thuỷ với một phương pháp khoa học cũng cho chúng ta một ý niệm rõ ràng hơn về tính khoa học trong phong thuỷ