Xây núi trấn yểm trước trụ sở vì có nhiều quan chức… “ngã ngựa”

Xây núi trấn yểm trước trụ sở vì có nhiều quan chức… “ngã ngựa”

NHAXUAN.VN – Thời điểm chưa xây hòn non bộ này, trong huyện Nghi Xuân thường xảy ra những vụ việc bất ổn, nhiều cán bộ bị “ngã ngựa” khi còn đương chức… Nên không hiểu từ đâu xuất hiện lời đồn rằng, trụ sở UBND huyện ở vào vị thế phong thủy không tốt.

Mấy ngày gần đây, hình ảnh hòn non bộ hùng vĩ ngự trước cửa trụ sở UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh gây rất nhiều chú ý từ dư luận. Theo một cán bộ làm việc tại đây cho biết, do cửa trụ sở UBND không hợp phong thủy, nên hòn non bộ đã được xây dựng để khắc chế những luồng khí xấu xâm nhập. Thế nhưng, sự việc có đơn thuần là như vậy?

Trấn yểm vì có nhiều quan chức “ngã ngựa”

Thời gian qua, hình ảnh hòn non bộ to như núi, đứng sừng sững ngay trước cổng chính của trụ sở UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã gây sự tò mò ghê gớm cho dư luận xã hội. Theo thông tin mà một cán bộ giấu tên làm việc tại đây cho biết, hòn non bộ này được xây cách đây 3 năm, thời điểm mà ông Nguyễn Hiền Lương còn đang làm Chủ tịch (hiện ông Lương đang giữ chức Phó giám đốc sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh).

Nui tran yem

 

                                        Hòn non bộ dùng để trấn yểm trước cổng UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Nguyên nhân là thời điểm chưa xây hòn non bộ này, trong huyện Nghi Xuân thường xảy ra những vụ việc bất ổn, nhiều cán bộ bị “ngã ngựa” khi còn đương chức… Nên không hiểu từ đâu xuất hiện lời đồn rằng, trụ sở UBND huyện ở vào vị thế phong thủy không tốt.

Giải pháp tối ưu được đưa ra là phải bít cổng chính lại rồi lập núi trấn yểm thì mới mong giải trừ được hung khí. Mọi chuyện được bàn bạc, thống nhất và thi công thuận lợi nhờ vào vốn tài trợ của một số doanh nghiệp trong huyện Nghi Xuân. Không biết hiệu quả của việc trấn yểm này đến đâu nhưng trước mắt nó gây ra rất nhiều phiền toái, rắc rối cho cả cán bộ làm việc ở đây cũng như người dân tới làm việc với chính quyền. Bởi lẽ, khi cổng chính bị bít lại, mọi hoạt động phải thông qua cổng phụ. Khuôn viên vốn đã chật chội, cổng chính bị bịt kín nên quang cảnh trụ sở UBND huyện cũng không ra dáng một cơ quan công quyền.

Ông Nguyễn Hiền Lương mới đây trả lời báo Dân Trí phân bua rằng, quyết định xây hòn non bộ này là do có sự thống nhất của cả tập thể lãnh đạo huyện chứ không phải một mình ông quyết định như dư luận đồn đoán. Việc xây dựng hay phá bỏ nó bây giờ tùy thuộc vào tầm nhìn, cách suy nghĩ của mỗi người, của mỗi thời kỳ. Nếu nói như vậy nghĩa là thời ông còn làm lãnh đạo, việc này là rất hợp lý và hoàn toàn không ảnh hưởng gì?

Một tiền lệ xấu

Đó là nhận định của ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi được hỏi về hành động được cho là “kỳ quặc” này của lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân. Ông Thuận chia sẻ: “Hành động của lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân cũng như tình trạng cúng lễ đầu năm tràn lan hiện nay đều là dấu hiệu của một hiện tượng xã hội rất đáng suy ngẫm. Đó chỉ là biểu hiện ở phần nổi của vấn đề và đều giống nhau ở tính chất xã hội. Chuyện “ngã ngựa” của một số quan chức huyện Nghi Xuân phụ thuộc vào nhiều điều khác chứ không liên quan đến hướng của một cái cổng mà phải xây núi để bịt lại. Bởi vậy, hành động này là một tiền lệ rất xấu trong xã hội, chưa nói, nó có thể dẫn tới sự rối loạn ngay trong bản thân chính quyền đó”.

Hiện nay, dư luận xã hội cũng đang bàn tán rất sôi nổi về sự kiện này. Người ta cho rằng, thay vì đi xây núi trấn yểm thì những vị lãnh đạo đó nên tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc trong huyện thì hơn. Vì thế, cách hành xử này là một biểu hiện của sự thiếu tự tin trong lãnh đạo và cao hơn, nó biểu hiện cho năng lực lãnh đạo kém của giới chức nơi đây.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Quốc Thuận cho biết: “Năng lực làm việc của những lãnh đạo huyện này giỏi hay yếu thì cứ qua sự kiện này mọi người đều thấy rõ cả rồi. Bởi chính nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vấn đề mà chúng ta đang đề cập ở đây. Bây giờ báo chí lên tiếng, dư luận xã hội lên tiếng, thậm chí thanh tra có thể vào cuộc… nên điều tốt chưa thấy đâu chỉ thấy tai họa ngay trước mắt.

Từ những sự kiện nhỏ như thế này nhưng nó biểu hiện cho một xã hội đang xuống cấp vì chữ lợi. Không nói đâu xa, đâu phải đơn giản mà mấy doanh nghiệp kia bỏ tiền ra tài trợ xây núi. Họ phải được cái gì nhất định chứ. Đấy là tôi mới chỉ đề cập tới một phạm vi nhỏ này thôi, chưa bàn tới vấn đề lớn hơn”.

Phong thủy là thuận theo tự nhiên và lòng người

Trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Phạm Cương, công ty Tư vấn phong thủy Nhà Xuân cho biết: “Trong phong thủy, đối với một ngôi nhà hay một cơ quan được cho là có hướng xấu thì các chuyên gia tư vấn phong thủy sẽ có nhiều phương thức linh hoạt để xử lý tình huống khác nhau.

Trong trường hợp này, chúng ta có thể xây một bình phong, một án thư hoặc một thác nước ở sân trước cửa trụ sở chẳng hạn. Vì thế, xét theo phong thủy thì việc dùng hòn non bộ trấn ngang cửa trụ sở là một hành động sai lầm. Điều này chứng tỏ, bản thân người làm phong thủy tư vấn cho lãnh đạo huyện Nghi Xuân cũng không biết linh động, chỉ biết rập khuôn, máy móc. Bởi lẽ, hành động này xét tổng thể đã phá vỡ không gian kiến trúc, tạo ra một sự nhận thức lệch lạc. Từ sự lệch lạc này tạo ra một hiệu ứng phong thủy xấu, chưa nói đây là một cơ quan công quyền thì càng không hợp lý”.

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cũng cho biết thêm: “Phong thủy chỉ là một phần bổ trợ, nới rộng biên độ thành công hoặc hạn chế thấp nhất rủi ro mà con người vấp phải mà thôi. Bản thân phong thủy không có khả năng xoay chuyển ngay tức thì mọi việc được. Làm việc gì cũng vậy, phải thuận thiên, thuận lòng người rồi thuận phong thủy thì mọi việc mới suôn sẻ. Bởi thế, cách làm này không những không hợp phong thủy mà còn là cách thức phá phong thủy (phong thủy là phải thuận theo tự nhiên, thuận theo môi trường, thuận theo hoàn cảnh, thuận theo lòng người).

Tôi cho rằng, bản thân người lãnh đạo rất cần những người tư vấn nhưng trường hợp này, người lãnh đạo lại “không đủ tầm” để biết cân nhắc những tư vấn phong thủy hợp tình, hợp lý. Dù sao thì phong thủy phải chú ý tới tính hợp lý về hoàn cảnh, tới thẩm mỹ chung. Nếu biết không hợp lý mà cứ “cố đấm ăn xôi” thì quả là cách làm không hiệu quả (mặc dù có thể việc trấn núi đó là tốt nhất đi nữa)”.

                                                                                                                          Theo Đời sống & Pháp Luật