TBKTSG: Giải pháp phong thủy cho nhà ống
NHAXUAN.VN – Nhà ống là loại hình nhà ở đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Đó là những căn nhà phân bố theo dạng chia lô với diện tích nhỏ (dưới 100 m2). Đặc trưng cơ bản của nhà ống là mặt tiền nhỏ, chạy sâu, hình dạng hẹp và dài. Những ngôi nhà ống ở phố cổ Hội An hay phố cổ Hà Nội đã trở thành bản sắc của kiến trúc và văn hoá Việt. Trong môi trường đô thị hoá, nhà ống vẫn đang là dạng nhà ở điển hình và có vai trò quan trọng. Xét về mặt phong thuỷ, nhà ống gây ra nhiều thách thức cho các phong thủy gia bởi những hạn chế về hướng, về hình thể và diện tích của bản thân nó.
1. Hình thế, cửa và ánh sáng
Về mặt hình khối, nhà ống có xu hướng vươn cao (3-5 tầng) theo phong thủy sẽ thiên nhiều về hành Mộc. Trong một số các phuơng án kiến trúc mái trên cùng của những khu nhà này thuờng theo hình thức mái dốc. Đó là tuợng của hành hỏa. Theo ngũ hành: “mộc” sinh “hoả”. Vì vậy mà kiểu tương quan dưới mộc trên hoả sẽ tốt về phong thuỷ. Tuy nhiên, nếu nóc nhà quá nhọn (trên 450) làm cho hoả vượng quá mức sẽ gây ra hiện tượng “hoả khí xung thiên”. Theo đó, căn nhà có thể tốt trong một thời gian ngắn ban đầu, càng ở lâu càng dễ nảy sinh tâm lý nóng nảy, vội vàng.
Nhà ống thông thường chỉ có một mặt thoáng ở phía trước, hai bên và phía sau đều tiếp giáp với nhà hàng xóm. Đây là một điểm không dễ trong việc thiết kế kiến trúc và phong thuỷ. Để có được không gian thông thoáng, tạo ra sự lưu chuyển giữa các dòng năng lượng, dù cho diện tích nhỏ hẹp nhưng gia chủ nên bố trí một diện tích sân vườn nhỏ ở phía sau sẽ khắc phục điểm yếu này và qua đó góp phần tạo điểm nhấn và đem đến một chút thiên nhiên cho căn nhà.
Một vấn đề nan giải nữa của nhà hình ống là những không gian ở giữa đều không có ánh sáng ban ngày. Vì vậy, khi thiết kế cũng nên bố trí giếng trời để lấy thêm ánh sáng tự nhiên cho các không gian bên trong ngôi nhà. Nhà ống nếu có đuợc sân vườn ở phía trước thì thật sự lý tuởng, khu vuờn nhỏ này sẽ như tầng ozon với chức năng thanh lọc không khí cho căn nhà. Qua những khảo sát và kinh nghiệm của nguời viết những ngôi nhà có sân vuờn phía truớc dễ làm cho con nguời hiền hòa và tâm hồn thanh tĩnh hơn. Theo phong thủy, không nên làm mái che hoặc giàn cây quá um tùm sẽ làm giảm hiệu ứng tốt này. Đuơng nhiên với nhà thiên về huớng Tây thì nên có những giải pháp hài hòa.
Khi xây dựng, một số lời khuyên về phong thủy không đúng khi cho rằng cổng và cửa chính đồng trục nhau là chưa tốt về phong thủy. Tuy nhiên, đây lại là mô hình thiết kế khá điển hình trong kiến trúc, đặc biệt là trong thiết kế những ngôi nhà ống. Theo quan điểm của người viết, cách bố trí này chỉ gây ra những tương tác xấu khi trước cổng là con đường với đông nguời qua lại đâm vào cổng, còn trong những trường hợp khác thì ảnh hưởng không nhiều.
Trong nhà ống cũng thường xảy ra hiện tượng 4 hoặc 3 cửa thẳng hàng đối nhau. Điều này không tốt cả về kiến trúc và phong thuỷ, dễ tạo nên những luồng khí xuyên phòng gây áp lực đột ngột. Phong thuỷ cho rằng: khi dòng khí quá mạnh có thể biến thành xung sát khí. Vì vậy, cần thiết phải chuyển cửa thứ ba sang một bên. Trong trường hợp bất khả kháng có thể dùng bình phong che chắn bằng cách đặt bố trí các chậu cây để giảm thiểu tác hại.
2. Sắp đặt không gian
Theo thuyết phong thuỷ, khu vực giữa nhà gọi là “trung cung” mang hành thổ và quản các cung còn lại nên là phần tối quan trọng của ngôi nhà. Việc xác định “trung cung” là rất quan trọng cần chú ý như vậy mới tránh được những lỗi cơ bản về phong thuỷ. Đối với nhà ống, khu vực giữa nhà thường được sử dụng để đặt cầu thang. Xét về hình tượng do luôn vuơn cao nên cầu thang mang tính mộc. Như vậy, nếu để “mộc” của cầu thang khắc “thổ” của trung cung sẽ ảnh hưởng không tốt đến gia chủ. Vì vậy, việc bố trí cầu thang cần tránh khu vực trung cung. Tốt nhất là nên bố trí theo chiều dọc để tiết kiệm không gian.
Ngoài ra, việc để bể phốt ở khu vực trung cung cũng là điều kiêng kị. Những dòng khí xấu từ bể phốt sẽ ảnh hưởng mạnh tới khu vực này, phong thuỷ gọi là “xú uế nhập trung cung”. Gia chủ sẽ gặp những phiền muộn về tinh thần, sức khoẻ. Việc đặt bể nước ở khu vực này cũng cần tránh vì sẽ làm cho trung cung bị khuyết hãm.
Thiết kế bếp trong nhà ống cũng tương đối phức tạp. Thông thường, bếp được đặt ở tầng 1, không gian tầng 2 là phòng ngủ của các thành viên trong gia đình. Như vậy, rất dễ xảy ra hiện tượng bếp đốt thẳng lên giường ngủ ở phía trên. Theo phong thuỷ, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ và tâm lý người ngủ trong phòng đó, vì thế tránh đặt bếp thẳng với giường ngủ phía bên trên. Ngoài ra, đôi khi diện tích bếp nhỏ nên khi sắp đặt đồ đạc cần gọn gàng, ngăn nắp, tránh để bếp nấu đối diện chậu rửa hoặc tủ lạnh sẽ gây ra hiện tượng “thuỷ hoả tương xung” làm cho khu bếp không được vượng khí, dễ nảy sinh tâm lý bất hoà trong gia đình.
Mỗi loại hình nhà ở đều mang trong mình cả ưu và khuyết điểm. Nó trở nên tốt xấu phụ thuộc rất nhiều vào cách làm và thái độ ứng xử của mỗi chúng ta. Căn nhà là biểu hiện của cá tính, tâm tư, tình cảm của chủ nhân nhưng nó không nên tách ra khỏi quy hoạch tổng thể cùng những quy chuẩn chung của kiến trúc và xây dựng. Đối với loại hình nhà ống, lời khuyên của người viết là gia chủ không nên vì cái tôi cá nhân mà chạy theo những kiểu cách quá phức tạp, rườm rà làm ảnh hưởng đến bộ mặt chung của toàn khu phố. Điều này dưới góc nhìn phong thuỷ cũng là thiếu tích cực. Người xưa có câu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Mỗi căn nhà đẹp sẽ góp phần tôn lên giá trị thầm mỹ cho cả bộ mặt đô thị, giúp cho chúng ta có một môi trường sống lành mạnh, hài hoà.
Chuyên gia Phong thủy Phạm Cương (Bài đăng trên TBKTSG)