Thay đổi tư duy tiếp cận Phong thủy trong tình hình mới
NHAXUAN.VN – Hiện nay, Phong thủy không còn xa lạ mà đã được ứng dụng rộng rãi trong kiến trúc, xây dựng nhà cửa cũng như trong quy hoạch các thành phố, các khu đô thị hiện đại. Phong thủy có những giá trị hiển hiện tuy nhiên còn đó không ít những quan niệm không đúng dẫn đến những ứng dụng sai lầm, thậm chí gây phản cảm với bộ mặt kiến trúc và tai hại cho cộng đồng. Qua thực tiễn kinh nghiệm, người viết tổng hợp một số vấn đề chia sẻ với bạn đọc
1. Quá coi trọng yếu tố về hướng mà bỏ quên yếu tố vị trí
Trong thực tế ứng dụng Phong thủy hiện nay phần nhiều trong bộ phận dân cư quá coi trọng yếu tố hướng. Từ người đi mua nhà cho đến việc chọn đất, từ đến bài trí bếp núc, bàn thờ, cửa hay phòng ngủ đều lấy tiêu chí này hàng đầu. Từ đó và có những cách thiết kế kiến trúc và sắp đặt nội thất lệch lạc vì nhất thiết phải bám xét theo tiêu chí này.
Chẳng hạn để hợp hướng, gia chủ điều chỉnh mặt tiền căn nhà theo hướng xéo phá hỏng kiến trúc căn nhà lằm lệch lạc tổng thể mặt tiền cả khu phố. Hoặc để đúng hướng tốt, nhiều người kê bàn làm việc một cách kỳ quặc dựa vào góc tường xéo hay kê giường vào góc xéo. Những sự xê dịch này không thể coi là sáng tạo nghệ thuật mà thậm chí ngược lại làm hỏng mỹ quan, khiến cho tư duy người sử dụng càng lúc càng lệch lạc kèm theo đó là sự bất tiện trong sử dụng.
Đối với những công trình xây sẵn như nhà chung cư hay nhà dự án, việc tìm hướng hợp sẽ không đơn giản. Nếu quá cầu kỳ phải tìm cho được hướng Sinh Khí, Phúc Đức, Thiên Y…sẽ dễ bỏ qua nhưng cơ hội tốt. Trong khi yếu tố quan trọng nhất là vị trí của căn nhà trong tổng thể khu đô thị, vị trí của căn hộ so với tổng thể cấu trúc tầng, so với hệ thống thang máy…thì lại xem nhẹ.
Phong thủy có câu “nhất vị nhị hướng” để khái quát vai trò của yếu tố vị trí tọa lạc và hướng của các công trình kiến trúc. Điều này khẳng định về đại cục, vị trí luôn được đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến yếu tố hướng.
Thực tế cho thấy công trình ở vị trí đắc địa, khí tốt dẫu hướng có xấu đối với gia chủ theo cung mệnh vẫn rất phát triển. Hoặc ở cơ quan nếu người nhân viên ở vị trí không tốt dù xoay bất kỳ vị trí nào cũng không thể bằng vị trí vượng khí tức vị trí tốt ở trong phòng. Thông thường, những người ở vị trí tốt trong phòng thì có năng lực tốt, được đánh giá cao, có tiếng nói và khả năng thăng tiến cao hơn dù người nhân viên đó có ngồi đúng hướng của mình hay không.
Đối với những công trình quy mô lớn như trụ sở các cơ quan, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh… thì chọn được vị trí tốt đóng vai trò tiên quyết cho sự thành công.
Tòa Nhà Trắng bên Mỹ vì có long mạch lý tưởng nên dù có trải qua bao nhiêu đời tổng thống Mỹ tuổi Đông, Tây tứ mệnh khác nhau nhưng vị thế của nước Mỹ vẫn hùng cường. Những khu vực được coi là “đất vàng” như Hàng Ngang, Hàng Đào ở Hà Nội…khí lực rất vượng nên chủ nhân các cửa hàng ở ñây dù tuổi tác thế nào thì hầu hết vẫn đều “hái ra tiền”.
2. Không hiểu được bản chất phong thủy là gì khiến lúng túng trong nhiều vấn đề
Phong thủy nghiên cứu yếu tố “khí” trong ngôi nhà để định cát hung. Khí trong Phong thủy hoàn toàn khác với không khí và gió tự nhiên. Khí Phong thủy được tạo ra do hoạt động tương tác của con người đối với ngôi nhà. Đại Môn (cửa chính) được coi trọng nhất vì là nơi “nạp khí” cho toàn bộ các không gian khác. Vì vậy mà trong bất cứ công trình nào dù là nhà biệt thự, nhà lô, chung cư, văn phòng đều phải lấy hướng cửa chính hoặc cửa ra vào căn hộ để sắp đặt và thiết kế Phong thủy. Những quan điểm như coi hướng ban công là hướng của căn hộ chung cư là không chính xác vì không hiều rõ bản chất của khí trong Phong thủy.
Ngôi nhà được hình thành để phục vụ con người, con người là đối tượng chủ đạo và làm nên sức sống cho ngôi nhà, có cửa thì mới có nhà, không có cửa thì không có ngôi nhà. Nhà có 1 vạn cửa sổ những không có một cái của đi thì không thể coi là nhà vì làm sao có người ở. Nhưng ở căn hộ chung cư có 1 cái cửa, dẫu có bịt hết cửa sổ ban công vẫn là một ngôi nhà dù sống ở đó lâu dài cũng không tốt. Vai trò cửa chính quan trọng là thế.
Tương tự, hiện nay nhiều người rất lúng túng khi xác định hướng bếp. Quan điểm truyền thống đó là đường đưa nguyên liệu vào bếp. Tuy nhiên nó chỉ đúng với bếp củi, rơm rạ. Với những loại bếp hiện đại như bếp ga, bếp từ, bếp hồng ngoại… sẽ không thể tìm ra hướng bếp theo cách này.
Để có được lời giải, trước hết chúng ta nên hiểu sự vận hành chính là quá trình nạp khí cho bếp. Trong Phong thủy, sự tương tác vận động, hay giao tiếp giữa con người với khu bếp tạo nên khí, bếp được nạp khí chính là do con người. con người như vật thể sống truyền năng lượng cho căn bếp vậy. Vì vậy có thể coi hướng bếp là hướng nhận thao tác của người nấu, tức là hướng ngược lại với mặt người nấu. Nói cách khác, hướng bếp là hướng lưng của người nấu. Khi đã nắm bắt rõ khái niệm hướng bếp thì cho dù bếp thay đổi đến đâu, có hiện đại đến thế nào, ta vẫn có thể tìm ra hướng một cách dễ dàng.
Phong thủy là nghiên cứu sự tương tác giữa thiên nhiên, nhà ở và con người, trong đó quan người là nhân tố quan trọng nhất. Trong nghiên cứu nhà ở trong đô thị những yếu tố như con đường hay tòa nhà chính là yếu tố dòng sông hay ngọn núi trong Phong thủy xa xưa. Với Phong thủy học hiện đại, đường một chiều về tương tác sẽ khác đường hai chiều, nên tính chất xem xét hiệu ứng phong thủy khác nhau. Điều này quyết định bởi chính con người chúng ta vận động mà thành, hướng nắng hướng gió không có nhiều vai trò ở đây.
3. Áp dụng Phong thủy một cách máy móc
Phong thủy không phải là cái gì đó cũ kỹ và cứng nhắc như nhiều người vẫn lầm tưởng. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau mà chúng ta áp dụng cho phù hợp.
Chẳng hạn mô hình kinh điển của Phong thủy là mô hình tứ thần sa: Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước hậu Huyền Vũ. Nghĩa là cấu trúc bốn bên có vật che chắn dễ tụ khí, tự khí thì tụ tài, vượng đinh v.v Trong ứng dụng hay thấy là chi tiết Tiền án Chu tước được ứng dụng khá phổ biến trong mô hình nhà cổ truyền ở Huế. Chi Tiết Chu tước được thiết kế bằng tiều cảnh án thư che chắn trước nhà. Tuy nhiên trong ứng dụng cần có sự tinh tế nhất định cân nhắc về tỷ lệ của chi tiết này so với môi trường xung quanh.
Thực tế chi tiết này hiện nay ứng dụng khá tràn lan, nhiều các công trình nhà thờ họ, nhà kiểu truyền thống vẫn áp dụng một cách máy móc khi làm tiền án giữa cổng và cửa chính khiến sử dụng bất hợp lý.
Thông thường, theo Phong thủy đối với các công trình ở ngã ba, bị con đường đâm thẳng vào gây sát khí, chúng ta cần sử dụng các biện pháp để điều hòa dòng khí. Phổ biến là sử dụng cây cối hoặc tiểu cảnh như là một án sơn để giảm bớt xung khí quá mạnh từ con đường. Tuy nhiên nếu những công trình như nhà thờ họ không bị đường lớn đâm vào, việc che chắn cửa chính vô hình chung lại ngăn cản dòng khí vào nhà không có lợi.
Trong việc thiết kế nhà, chúng ta cần phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa kiến trúc và Phong thủy, đảm bảo hài hòa về tỷ lệ, kích thước theo nhân trắc học của người Việt Nam. Hiện nay nhiều người thường quá cầu kỳ khi yêu cầu toàn bộ kích thước trong nhà phải rơi vào cung đẹp trong thước lỗ ban hoặc chuyện bắt buộc bậc thang rơi vào chữ “sinh” trong quan niệm “sinh, bệnh, lão, tử” mà không tính đến thẩm mỹ và tiện lợi khi sử dụng. Vậy là có những tình hướng dở khóc dở cười ở những trường hợp để bệ bếp quá cao khó thao tác, bậc cầu thang quá cao đi lại khó khăn…Những cách làm lệch lạc này sẽ đi ngược lại với những giá trị của Phong thủy.
4. Bỏ qua cái lớn, chú trọng tiểu tiết
Trong tiếp cận Phong thủy ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều trường phái. Từ đơn giản dễ dùng như Phong Thủy Bát Trạch, hay phức tạp hơn ở cấp độ Phong Thủy Huyền Không hay Tam hợp. Đi sâu hơn nữa còn áp cả các Thần Sát tương tự các sao trong các môn như Tử Vi vào định tốt xấu cho gia chủ. Khoan chưa bàn đến tính hiệu quả của từng môn phái bởi mỗi phái sinh ra đều có lịch sử và có cái lý của họ. Tuy nhiên với một bộ phận các kiến trúc sư mới tìm đến Phong thủy dường như lâm vào ma trận. Không biết nơi bắt đầu và phối kết hợp nhau như nào.
Tương tự như vậy trong xu hướng hiện nay, khi thiết kế Phong thủy cho một ngôi nhà, một bộ phận không nhỏ các thày Phong thủy hoặc các chuyên gia vẫn quá chú trọng vào phong thuỷ theo la bàn, la kinh với các số đo một cách công thức máy móc, rất tiểu tiết mà quên đi vấn đề lớn trong phong thủy là yếu tố thực trạng cảnh quan môi trường, hay còn gọi là Loan đầu Phong thủy là vấn đề quan trọng nhất.
Khi xây dựng một ngôi nhà, trước hết cần quan tâm đến vị trí tọa lạc của ngôi nhà trong tổng thể khu đất cũng như tương quan với hệ thống đường xá, giao thông, cảnh quan môi trường. Sau đó cần xây dựng hình hài tòa nhà phù hợp với chức năng sử dụng. Tiếp theo sẽ phải quan tâm tới bộ khung phân chia các khu chức năng phù hợp đường đi lối lại sao cho phù hợp với các phần chức năng trong tòa nhà. Cuối cùng mới là sắp đặt nội thất cho phù hợp với hướng của từng thành viên trong gia đình. Điều này cũng giống như công tác quy hoạch, chúng ta có bản đồ quy hoạch vùng sau đó đến thành phố và các quận huyện, tiếp đến là các tiểu khu nhà ở rồi mới đến tòa nhà.
5. Nhầm lẫn phong thủy với tôn giáo, tín ngưỡng
Nhiều người coi Phong thủy cũng giống như tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy mà nhiều nhà sư, thầy cúng cũng đươc gia chủ mời về nhà để coi Phong thủy. Phong thủy thực chất hoàn toàn tách biệt với đạo Phật và các tôn giáo khác, không có trong bất cứ kinh kệ nào của Phật giáo. Vì vậy chuyên môn của họ thường không sâu, đôi khi các kiến thức phong thủy đơn giản lại bị thần thánh hóa gây hoang mang cho gia chủ.
Ở tầm vĩ mô, hiện nay nhiều người đang lầm tưởng và quá tự hào về những giá trị phong thủy được thổi phồng về Long mạch đất nước, thậm chí đề cao quá mức vấn đề long mạch thần bí mà quên đi những điều hiển hiện ngay trước mắt rằng quy hoach đường xá hệ thống giao thông, hệ thống kênh rạch sông ngòi chính là tạo dụng một mạch khí tốt cho đất nước….
Nếu coi đất nước Việt Nam là một cơ thể thì thủ đô Hà Nội có thể coi là trái tim hoặc cái đầu của một cơ thể. Đường sá, sông ngòi chảy bên trong lòng thủ đô được coi như huyết mạch tạo nên sức sống trong cơ thể đó. Trái tim, cái đầu, cơ thể đó có mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự luân chuyển hay bế tắc của khí huyết. Bản thân các dòng chảy, các luồng giao thông được phong thủy coi như phần “hư thủy” nói lên rất nhiều điều.
Hình ảnh một Singapore cách đây ba bốn chục năm, hệ thống sông, kênh rạch ở cũng rất không ổn, xấu xí, nhem nhuốc tương đồng với nền kinh tế của họ chưa có gì đặc sắc, không hơn được Sài Gòn. Nhưng sau đó họ đã cải tạo triệt để, kênh rạch sạch sẽ văn minh, bộ mặt đô thị tốt lên trông thấy và kinh tế cũng trỗi dậy phát triển thật thần kì. Đất nước Mỹ không biết long mạch ra sao nhưng với hệ thống đường xá thông suốt như một chàng thanh niên có mạch máu căng tràn. Hết sức khỏe khoắn giống như nền kinh tế của họ.
Phong thủy không phải là tín ngưỡng càng không phải là tôn giáo, chúng ta không chờ tổ tiên, thần thánh ban phước để một phút hóa rồng. Chúng ta có thể tạo đà bằng thay đổi phong thủy. Với Hà Nội, bên cạnh việc quy hoạch một hệ thống giao thông hoàn chỉnh thì cần phải cải tạo lại hệ thống sông ngòi. Nếu chỉ quan tâm đến sông Hồng chưa đủ, nên quan tâm hơn nữa tới sông Tô Lịch. Điều này không chỉ nhìn thấy cái trước mắt là được lợi cho quang cảnh con sông trong nội đô, nhà cửa hai bên có được không khí trong lành, chắc chắn làm phong thủy Hà Nội tốt hơn góp phần đưa đất nước phát triển.
Phong thủy có thể coi như tặng vật của tổ tiên dành cho con cháu chúng ta. Một thời gian chúng ta đã lãng quên, thậm chí có thời điểm còn ném tặng vật ấy vào thùng rác. Tất yếu món quà linh diệu đó sẽ có không ít phần gai góc, xù xì và không phù hợp với xã hội đương đại. “Gạn đục khơi trong” gạt đi nhưng phần không cần thiết để rồi tích hợp phong thủy vào kiến trúc một cách lành mạnh là nhiệm vụ không hề dễ nhưng cần đặt ra với những người nghiên cứu thực thụ.
Chuyên gia Phong thủy Phạm Cương (Bài đăng trên Tạp chí Quy hoạch xây dựng)