TBKTSG: Bất động sản dưới lăng kính Phong thủy (phần 2)

TBKTSG: Bất động sản dưới lăng kính Phong thủy (phần 2)

NHAXUAN.VN – Khi nhìn một người, ta có nhiều cách khác nhau để đánh giá họ và phương pháp lâu đời nhất là xem tướng. Xem tướng là cách đánh giá con người qua ngoại hình. Đánh giá bất động sản cũng vậy. Khi đánh giá bất động sản, người ta cũng có xu hướng coi trọng hình thái của nó bởi hình thái bao giờ cũng mang một khí vận nhất định, đó là hình khí.

Xem đất đoán công trình

Theo Phong thủy, một tòa nhà tốt phải tọa lạc ở khu đất tốt và có hình thái, quy mô hợp lý. Quy mô của tòa nhà bao giờ cũng phải phù hợp với đặc điểm khu đất. Theo lý thuyết Phong thủy, nếu như tòa nhà quá lớn so với diện tích của khu đất sẽ bị cho là thô kệch. Trong luật xây dựng cũng có quy định về giới hạn độ cao, diện tích và thể tích của tòa nhà so với diện tích của khu đất xây tòa nhà đó.  Giới hạn độ cao nhằm đảm bảo các khu đất xung quanh nhận được ánh sáng mặt trời và người đi bộ trên đường không có cảm giác ngột ngạt như đang đi trên con đường hẻm ngõ hẹp.

Hình thái tòa nhà phải tương thích với vai trò của nó. Tiêu chuẩn phù hợp ở mỗi lúc, mỗi miền, mỗi người đều khác nhau. Nói cách khác, tiêu chuẩn này phụ thuộc vào thời gian, không gian và con người.

Chúng ta có thể lấy ví dụ về các toà nhà ngân hàng. Các ngân hàng ngày xưa thường xây phần ngoài bằng đá cứng, chắc và trang trí theo phong cách cổ điển để ngụy trang thành khí vận Kim. Đây là khí vận của một pháo đài cứng và vững như bàn thạch. Ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là tòa nhà của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.  Hình thái này như ngụ ý “tiền gửi của bạn sẽ an toàn và chúng tôi không dễ thay đổi”. Nhưng hình thái nãy cũng đã thay đổi theo thời gian. Để tăng cường mức độ giao dịch với khách hàng thân thiết, nhiều ngân hàng đã mở rộng các loại hình dịch vụ và tăng số lượng quầy giao dịch cũng như cư xử niềm nở với khách. Cả cảnh quan bên ngoài hay nội thất bên trong ngân hàng đều toát lên tính mềm dẻo nhằm biến đổi khí Kim đầy quyền uy thành không gian rộng mở của khí Thủy.

Việc quy hoạch các tòa cao ốc, các khu đô thị, khu thương mại phải tính toán kỹ lưỡng. Tránh thiết kế các tòa nhà “ba bề bốn bên” là đường đi lại sẽ khiến cho các dòng khí bị phân tán và không tụ được nơi tòa nhà. Những điểm xấu này thường lại là tác nhân khiến cho công trình hình thành một cách chậm chạm hay ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Không những vậy, các công ty ở trong khu vực này công việc làm ăn cũng không dễ dàng. Với lỗi Phong thủy này có thể kể ra khá điển hình là toàn nhà một ngân hàng thuộc dạng “tứ trụ” trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. Không quá khó để những Phong thủy gia đưa ra một lời tiên liệu về sự bất ổn sẽ phải đối mặt của ngân hàng này trong tương lai!

Phong thủy quan niệm “hình nào khí nấy”. Hình dáng tòa nhà phải toát lên được sự hài hòa về đường nét nhưng cũng phải mang ý nghĩa về sự sung túc, thịnh vượng. Chung cư Golden Westlake ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội được thiết kế hình dạng như một chiếc ngai vàng thể hiện rõ ý đồ của chủ đầu tư muốn khách hàng của mình có được một cuộc sống cao cấp như các bậc vua chúa.

Khí trong Phong thủy bất động sản

“Khí tụ thành hình”, “hình nào khí đấy” là những câu kinh điển trong Phong thủy, từ âm trạch xây cất mồ mả phần âm cho đến dương trạch xây dựng nhà cửa, công sở. Yếu tố khí theo đó không thể xem nhẹ.

Dưới góc nhìn Phong thủy, xét về khí có nhiều cách phân chia. Khí theo theo phần Thiên, theo Địa, theo Nhân. Có cách phân loại theo sinh khí, sát khí. Ứng dụng vì thế mà có sự khác biệt. Thông thường với phong thủy dành cho âm trạch những yếu tố về phần tự nhiên hay yếu tố Thiên Địa, các nhà Phong thủy học thường hay coi trọng các yếu tố địa lí tự nhiên như mạch sông, thế núi mà thông thường hay gọi là long mạch. Tuy nhiên trong đời sống hàng ngày và ứng dụng trong bất động sản yếu tố Nhân khí tức là yếu tố về con người không thể bỏ qua.

Phong thủy học coi yếu tố nhân khí ở đây chính là môi trường tạo nên quan hệ và tương tác giữa con người với nhau. Ví dụ những quần thể có chung một ngành nghề, những khu phố có chung một mặt hàng, hoặc những khu làng sinh viên đại học, phố tài chính chứng khoán. Chính những yếu tố tự nhiên về Phong thủy về long mạch hun đúc tạo điều kiện để hình thành những quần thể, nhưng khi những cộng đồng đó được hình thành thì lại tạo ra những sức hút những khí lực về Phong thủy rất đáng kể.

bat-dong-san 4

Có thể kể ra ở Hà Nội, những khu phố tài chính ngân hành trên đường Trần Quang Khải, khu phố Ngô Quyền như được định sẵn là những địa điểm rất gần ngay với tòa nhà ngân hàng Trung ương. Theo Phong thủy, chính những ngân hàng này được hình thành được khởi phát từ những năng lượng lan tỏa từ khu vực Ngân hàng Trung ương tới.

Tuy nhiên sau khi hình thành với mức độ đông đúc đáng kể, sự cộng hưởng qua lại với nhau của các ngân hàng khu vực này tạo nên trường khí của môi trường tài chính, ngân hàng tại đây. Với điều kiện vượng khí như vậy việc hình thành các ngân hàng khác sẽ là thuận lợi và việc khu vực này phát sinh ra những ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng trong khu vực này sẽ là điều tất yếu. Tuy nhiên để nói chắc ngân hàng nào tốt thực sự thì cần nhiều góc nhìn khác nhau nữa trong khoa Phong thủy.

***

 

Có thể nói, cách nhìn bất động sản theo Phong thủy tuy mới mẻ nhưng rất quan trọng và cần thiết trong việc phán đoán xem có nên đầu tư vào bất động sản nào đó hay không.Hiện nay, nguời dân đã có những kiến thức Phong thủy nhất định nên những dự án không tính đến những yếu tố Phong thủy cơ bản sẽ không đông khách đắt hàng. Và đuơng nhiên những ông chủ đầu tư nếu nắm bắt và áp dụng những kiến thức của khoa Phong thủy sẽ đạt được những giá trị cần thiết để tăng giá trị cho chính bất động sản, từ đó có được những lợi ích khi họ biết thời cuộc, biết lắng nghe nhu cầu của khách hàng.

Chuyên gia Phong thủy Phạm Cương (Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn)