Cách trang trí bàn thờ tổ tiên cho ngày Tết cổ truyền của người Việt

Cách trang trí bàn thờ tổ tiên cho ngày Tết cổ truyền của người Việt

Trang trí bàn thờ tổ tiên và dọn nhà cho ngày Tết cổ truyền là thói quen tốt của người Việt. Việc làm này thường được các gia đình coi như công việc quan trọng của những ngày cuối năm cũ. Tuy nhiên, do sự thay đổi của xã hội, nhiều người trang trí bàn thờ tổ tiên theo thói quen mà quên mất những nguyên tắc cần tuân thủ

Nói về việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa ngày Tết cổ truyền Việt Nam, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho hay, cách bày biện và trang trí nhà ngày Tết của người Việt từ xưa đến nay vẫn luôn được coi trọng. Tuy nhiên, khi trang trí nhà ngày Tết cũng cần chú ý những nguyên tắc phong thủy để giúp gia chủ có được nhiều tài lộc trong năm mới.

Chọn ngày dọn dẹp, trang trí nhà đón Tết

Theo quan niệm văn hóa Á Đông nhiều người vẫn cho rằng, dọn nhà ngày Tết nên làm vào tuần cuối cùng của năm để rước ông Táo về trời và chuẩn bị đón các bậc tổ tiên về vui Tết.

Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Phạm Cương lại cho rằng, đây chỉ là những quan niệm dân gian, nếu có thời gian, chúng ta có thể dọn nhà vào bất kỳ ngày nào cho ngôi nhà của chúng ta luôn gọn gàng, ngăn nắp, không nên câu nệ thời điểm nào, dù đầu năm hay cuối năm…  và tốt nhất nên dọn và trang trí nhà cửa và bày biện bàn thờ cho ngày Tết sau thời điểm ông Táo về trời.

ban tho ngay tet

 

          Trang trí bàn thờ ngày Tết cũng cần lưu ý nhiều nguyên tắc để việc làm này trở nên có ý nghĩa

Cách trang trí bàn thờ tổ tiên cho ngày Tết cổ truyền

Ngoài việc chọn thời điểm trang trí và dọn nhà, đối với mỗi gia đình, việc dọn dẹp bàn thờ tổ tiên chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền cũng rất quan trọng.

Theo phân tích của các nhà phong thủy, việc dọn dẹp, thay đổi bàn thờ, chăm sóc, tôn tạo bát hương vào dịp cuối năm sẽ góp phần tạo thời vận mới cho gia đình khi sang năm mới.

Nói về việc bày biện mâm cỗ trên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho hay, hiện nay nhiều người thích bày lên bàn thờ những đồ lễ đắt tiền như một thói quen trưng bày đồ ngon vật lạ trần thế nhưng lại không cần thiết …

Theo ông thì việc bày biện đầy đủ 5 yếu tố như mâm ngũ quả và cặp bánh chưng bánh dày là đầy đủ ý nghĩa cho bàn thờ tổ tiên ngày Tết, vì những lễ vật đó đã chứa cả yếu tố Âm Dương, Ngũ hành lại mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Ngoài ra, một thói quen khác của người Việt khi bày biện trên bàn thờ tổ tiên là việc để tỏi trên bàn thờ hay chữ Phúc treo ngược với suy nghĩ đón phúc vào nhà cũng được chuyên gia này nói đến.

Theo chuyên gia Phạm Cương, những thói quen đó không phải là quan niệm của người Việt vì thế nó không có ý nghĩa như biểu tượng.

Theo Gia Đình Việt Nam