10 Bí quyết để có gian bếp hợp Phong thuỷ
NHAXUAN.VN – Trong một ngôi nhà, khu bếp có vai trò rất đáng kể, đó không chỉ nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến ăn uống, không gian bếp còn là nơi giao lưu, gặp mặt của các thành viên trong gia đình. Dưới góc độ Phong thuỷ, gian bếp tượng trưng cho tài lộc và cũng là nơi mang dưỡng khí cho gia đình, cổ nhân xưa có câu “Hoạ tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập” nên chuyện ăn uống và bếp núc nhất thiết phải được coi trọng.
Phong thuỷ cổ truyền xưa và kiến trúc hiện đại nay luôn xem khu bếp là một vị trí quan trong trong tổng thể ngôi nhà. Sách phong thuỷ xưa thừong lấy bếp là một yếu tố chủ đạo, kết hợp với hướng nhà và gian phòng chủ để luận đoán phong thuỷ (Mối quan hệ Chủ-Môn-Táo). Trước đây, bếp có thiết kế đơn giản nên việc tìm hướng bếp để luận Phong thuỷ không gặp mấy khó khăn. Ngày nay xã hội văn minh , nhiều kiểu bếp hiện đại ra đời khiến đôi khi ta cẩm thấy lúng túng trong việc tìm hướng bếp để tính toán phong thuỷ. Trong phong thuỷ có nhiều quan điểm về hướng bếp, có người đặt vấn đề tìm hướng bếp bằng việc xem hướng bật công tắc bếp để quán xét phong thuỷ. Quan điểm này nghe qua có vẻ thuyết phục nhưng nếu ta xét ở một kiểu bếp ga hiện đại với công tắc bật tắt ngay trên mặt bếp thì lúc này việc tìm hướng bếp trở thành nhiệm vụ bất khả thi; có người thì coi hướng nạp khí cho bếp – ngày nay là hưóng của đường ống tiếp nhiên liệu (khí ga) cho bếp chính là hướng bếp. Nhưng quan điểm này còn sai lầm hơn, vì đường ống ga có muôn hình vạn kiểu, có cả cứng cả mềm nên chuyện luận đoán lại càng thêm phức tạp.
Vậy hướng bếp tính thế nào?
Trước hết chúng ta nên hiểu hơn về sự vận hành và quá trình nạp khí cho bếp. Như ta biết, trong phong thủy yếu tố khí được coi là yếu tố cốt lõi, sự tương tác giữa con người với bếp tạo nên sự vận hành của bếp, sự tương tác vận động này tạo nên khí (theo Phong thuỷ Lạc Việt), đó cũng chính là yếu tố khí mà ta cần bàn ở đây. Bếp được nạp khí chính là do con người vì vậy mà hướng bếp chính là hướng nhận thao tác của người nấu, hay nói cách khác hướng bếp chính là hưóng lưng của người nấu vậy. Và khi đã nắm bắt rõ khái niệm hướng bếp thì cho dù bếp có thay đổi đến đâu, có hiện đại đến thế nào, ta vẫn có thể tìm ra nó một cách dễ dàng từ đó thì việc bố cục khu bếp mới chính xác và hiệu quả được.
Trong việc thiết kế và bố cục khu bếp cần lưu ý đến vấn đề sau:
1. Bếp nên có một vị trí cố định, thuận tiện cho người nấu, dây chuyền sử dụng như soạn rửa, gia công, chế biến nên coi trọng trước tiên, không nên chồng chéo gây hỗn loạn sự vận hành của dòng khí.
2. Nên thiết kế bếp phù hợp về kích thước, tỷ lệ con người. Hài hoà về tỷ lệ cũng chính là tìm được trạng thái cân bằng âm dương, ngũ hành theo phong thuỷ. Nhất là khi phù hợp với Nhân trắc học thì trường khí giữa con người và đồ vật sẽ có sự liên hệ, điều này dễ tạo năng lượng tốt qua đó con người dễ tìm thấy sự tiện lợi khi thao tác trong khu bếp.
3. Trước mặt của bếp cần phải thoáng rộng, sạch sẽ, yên tĩnh để dòng năng lượng tập trung cung cấp cho bếp được đều đặn, ổn định. Nên lưu ý bếp không nên đặt đối diện với cửa chính, khí lúc này xộc thẳng vào khu bếp không tốt, gió thổi trực diện gây tắt bếp, tạt lửa hoặc khiến người đứng nấu không kiểm soát được sau lưng, dễ giật mình, thiếu tập trung khi có gió sập cửa hay người đi ra vào dẫn đến việc xử lý thiếu chính xác khi nấu bếp.. Nếu gặp trường hợp này nên tìm cách đặt bình phong hoá giải.
4. Tránh đặt bếp đối diện với bồn rửa, những vật dụng chứa nước như tủ lạnh, máy giặt…, hoặc khu vệ sinh dẫn đến sự xâm nhập của thủy khí và tạp khí làm triết giảm hoạt tính của bếp. Bếp cũng không nên đặt tại vị trí kẹp giữa những đồ có nước như tủ lạnh hay bồn rửa. Phong thủy gọi đây là thuỷ hoả tương xung, không có lợi về tài lộc gia chủ và sức khoẻ của nữ chủ nhân trong nhà.
5. Bếp tránh đặt ở vị trí quá sát với cửa sổ họăc dựa lưng vào cửa sổ, vửa làm mất tập trung trong thao tác vừa không thể kiểm soát được các yếu tố tự nhiên bất ngờ. Gió tự nhiên thổi mạnh đôi khi lại làm phân tán bớt đi những dòng năng lượng tích cực.
6. Không nên bố trí bếp ở ngoài nhà, hành lang. Nên đặt bếp trong nhà chỗ kín đáo, khuất tầm nhìn khi khách đến nhà, nhưng cũng không đặt ở những vị trí tối tăm tù túng gây bất lợi cho sự vận hành của Dương khí.
7. Không nên đặt bếp dưới xà ngang, điều này cũng nguy hiểm không kém gì khi xà đè giuờng ngủ. Không thuận cho chuyện làm ăn, sức khoẻ của ngươi nữ trong nhà.
8. Bếp cũng không nên đặt dưới cầu thang hoặc ở tại vị trí mà phía tầng trên là khu vực Toa-lét.
9. Không bố trí bếp nấu đối diện trực tiếp với cửa phòng ngủ, cũng lưu ý nên tránh đặt gian bếp áp sát vào tường phòng ngủ, nhất là phía đầu giường.
10. Trong sử dụng, đồ đạc trong bếp nên gọn gàng ngăn nắp, những vật sắc nhọn như dao kéo dễ tạo sát khí nên được cho vào hộp đựng hoặc đặt trọn trong ngăn tủ bếp. Thao tác vòi nước rửa xong thì nên tránh để vòi chỉa thẳng vào bếp gây khó khăn cho công việc làm ăn.
Kiến trúc sư, phong thủy gia Phạm Cương(Theo Thế giới tiêu dùng)