Khái niệm khí trong Lý học Đông phương – Cái nhìn từ văn hiến Lạc Việt

Khái niệm khí trong Lý học Đông phương – Cái nhìn từ văn hiến Lạc Việt

Nguyễn Vũ Tuấn Anh

(Tham luận đọc tại Hội thảo “Tính khoa học của Phong thủy trong kiến trúc và xây dựng”)

Phong thủy – một bộ phận cấu thành quan trọng, vốn bí ẩn từ hàng ngàn năm nay trong văn hóa cổ Đông phương. Có thể nói rằng: Lý học Đông phương mà cốt lõi của nó là thuyết Âm Dương Ngũ hành bao trùm gần như rộng khắp tất cả mọi tri thức trong xã hội Đông Phương cổ. Nó giải thích mọi hiện tượng theo hệ thống phương pháp luận của nó: Từ thiên văn, địa lý, thiên nhiên, cuộc sống, xã hội và con người….

Nhưng chính tính thiếu tính nhất quán, thiếu tính hợp lý trong cấu trúc hệ thống, sự rời rạc và mâu thuẫn trong hệ thống phương pháp luận của nó – bên cạnh phương pháp ứng dụng có hiệu quả xuyên qua mọi không gian văn hóa và thời gian trải hàng thiên niên kỷ trong lịch sử văn hóa Đông phương, đã làm nên sự bí ẩn huyền vĩ của nền văn hóa này.

Sự khám phá những bí ẩn của văn hóa Đông phương và cụ thể là thuyết Âm Dương Ngũ hành là một đề tài rất rộng và còn cần có sự nghiên cứu tiếp tục và rộng khắp, nhiều mặt của quí vị học giả, của các nhà khoa học quan tâm.

Bởi vậy, trong bản tham luận này của chúng tôi chỉ giới hạn để đi tìm một kết luận đúng cho khái niệm về bản chất “Khí” trong Lý học Đông phương nói chung và Phong thủy nói riêng. Nhằm góp phần phục hồi những tri thức đã bị thất truyền của nền văn minh Đông phương, một bộ phận quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại vốn còn nhiều bí ẩn.

Những ý kiến của chúng tôi trình bày trong bài viết này, có thể coi như là một giả thiết về một thực tại còn bí ần trong Lý học Đông phương, không tự cho mình là đúng. Rất cần được sự quan tâm, góp ý của những học giả.

Khái niệm Khí – một bí ẩn trong Lý học Đông phương

Trong các sách cổ Lý học Đông phương, hoặc có liên quan đến Lý học Đông phương, có một khái niệm miêu tả một thực tế tồn tại trong vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống và con người rất bí ẩn. Đó là khái niệm “Khí” trong lý học Đông phương. Có thể nói rằng: Khái niệm “Khí” có trong tất cả mọi lĩnh vực và được diễn đạt bằng những thuật ngữ liên quan đến Ngũ hành, hoặc định tính, danh từ để miêu tả hiện trạng cụ thể liên quan đến “Khí”. Có thể nói rằng: Trong Lý học đông phương, khái niệm khí phổ biến đến mức: Bất cứ một thực tế nào trong cuộc sống đều có thể miêu tả liên quan đến “Khí”. Chúng ta có thể rất quen thuộc với các danh từ như:

* Trong thiên nhiên thì có: Tà khí, dương khí, âm khí, khí trời, khí đất, hỏa khí, kim khí…

* Trong sinh hoạt thì có: Hòa khí, xung khí, uất khí…..

* Trong cơ thể con người thì có: Hỏa khí, suy khí, khí nhược, khí trệ, khí bế.vv….

* Trong phong thủy thì khái niệm Khí được nói đến gần như là một yếu tố quyết định trong Âm trạch, như: Vô khí, sinh khí, tụ khí, tán khí….

* Trong Phương pháp coi Tứ trụ, Bốc dịch cũng nói đến suy khí của từng hào.

* Trong phương pháp coi tướng thì khí được nhắc đến như: Thần khí, ám khí, hôn khí, vượng khí…vv…

* Thậm chí ngay tính chất của cuộc hội thảo của chúng ta đây, cũng có thể miêu tả bằng khái niệm khí, như: tịnh khí, sinh khí, hoặc vượng khí…vv…

Có thể nói trong tất cả mọi lĩnh vực mà con người quan sát được, đều có thể miêu tả bằng khái niệm “khí”. Trong Đông Y, khí được coi là một thực thể vận động trong kinh mạch, có trong cơ thể người. Vào năm 1967, những nhà nghiên cứu Pháp đã dùng chất đồng vị phóng xạ để hiển thị và xác nhận hệ thống kinh mạch là có thật trong cơ thể người. Nhưng cơ chế tồn tại và hoạt động của hệ thống Kinh mạch và bản chất của “Khí” là gì thì vẫn là sự bí ẩn.

Có thể nói rằng: Trong khoa Phong Thủy Đông phương, khái niệm “Khí” được nói đến nhiều nhất. Không chỉ trong cả Âm trạch là phương pháp tìm đất, khu vực cư trú, xây dựng đô thị và cả trong Dương trạch – là phương pháp xây cất nhà cửa, tất cả đều có khái niệm “Khí”, mô tả một thực tại đang hiện hữu và ảnh hưởng tương tác với con người.

Nhưng trong các bản văn cổ thì chỉ cho chúng ta những định tính khác nhau về khái niệm “khí” trong từng trường hợp cụ thể, còn bản chất khái quát và chung nhất về khí thì hoàn toàn bí ẩn.

Hàng ngàn năm đã trôi qua, khái niệm “khí” vẫn mơ hồ trong nền văn minh Đông phương cổ, bất chấp mọi cố gắng của con người. Mặc dù “Khí” được thừa nhận trên thực tế và được ứng dụng trong phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành trong nền Lý học Đông phương. Cụ thể rõ nét nhất mỗi chúng ta đều biết  chính là trong phương pháp luận của Đông Y.

Bởi vậy, việc giới thiệu khám phá bản chất của “Khí” – một khái niệm còn bí ẩn trong hệ thống phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành mô tả một thực tại đang hiện hữu – nằm ngoài nhận thức của tri thức khoa học hiện đại, được trình bày trong tiểu luận này là một cố gắng của chúng tôi. Chúng tôi rất hy vọng có sự đóng góp ý kiến của quí vị học giả và các nhà nghiên cứu quan tâm.

3 – Quan niệm về khí trong công trình nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương

Khí là một khái niệm căn bản trong học thuật cổ Đông phương. Khí miêu tả một thực tế khách quan tồn tại trên thực tế. Trong phong thủy, khái niệm khí cũng được thể hiện, như là một thực tại tương tác với môi trường. Qua kiểm chứng thực tiễn ứng dụng trải hàng ngàn năm trên các lĩnh vực Đông Y và Phong thủy, đã xác định: Khí là sự tồn tại có thực trên thực tế. Hay nói rõ hơn: Khí – là một thực tại chưa được nhận thức trong tri thức khoa học hiện đại và tồn tại trên thực tế và thể hiện trong Lý học Đông phương; cụ thể là trong phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Chính vì là một thực tại chưa nhận biết của tri thức khoa học hiện đại, nên góp phần cho sự bí ẩn của văn hóa Đông phương cổ. Ta không thể “thấy” được khí bằng các giác quan thông thường, nhưng người ta có thể cảm nhận được sự tồn tại của nó. Nói cách khác: Khí là một dạng vật chất không “thấy” được để phân biệt với một dạng vật chất mà ta có thể “thấy” được bằng giác quan, hoặc bằng các phương tiên kỹ thuật hỗ trợ gọi là hình. Bởi vì “khí” là vật chất cho nên khoa học ngày nay đang cố gắng xác định xem khí là loại vật chất nào mà khoa học nhận dạng được. Đã có những giả thiết cho rằng: “Khí” là không khí, là ánh sáng, là sóng vi ba, …vv…

Nhưng tất cả những giả thuyết ấy đều không thỏa mãn tiêu chí khoa học trong việc giả thích các vấn đề và hiện tượng liên quan. Trong các văn bản cổ cũng không hể có một khái niệm rõ ràng về “khí”.

Nhưng trên thực tế ứng dụng của Lý Học Đông phương và nhất là trong khoa Phong Thủy – khí là một khái niệm trên thực tế ứng dụng rất quan trọng. Mà người thực hiện chỉ có một cảm nhận mơ hồ về khí do sự tồng hợp từng trường hợp cụ thể ứng dụng liên quan đến khí.

Để tìm hiểu bản chất của khái niệm “Khí” trong Lý học Đông phương, chúng tôi cố gắng tổng hợp tất cả những khái niệm ứng dụng liên quan đến Khí trong từng trường hợp cụ thể.

* Trong Đông Y.

Khí là một thực tại có trong các đường Kinh Mạch có trong cơ thể người, với các khái niệm: Thông khí, bế khí, thoát khí, suy khí, vượng, khí, hỏa khí, tà khí, Âm khí, Dương khí…vv…Tổng hợp những khái niệm trong ứng dụng liên quan đến “khí” trong Đông Y , chúng tôi xác định:

– Khí không thể là sóng vi ba, sóng diện từ, và tất nhiên không phải là ánh sáng và không khí.

–  Khí là một trạng thái vật chất vô ý thức, tác động trở lại với vật chất và có trong vật chất. Cụ thể là trong cơ thể con người.

– Khí có sự vận động và tương tác. Tức là có thuộc tính vật chất.

– Trong cơ thể người, sự vận động của “Khí” có định hướng và mang tính quy luật:

Vận động chủ yếu trong các đường Kinh mạch.

* Trong thiên nhiên:

Khí được mô tả là một thực tại. Được chia làm 60 loại theo Ngũ hành và Âm Dương. Mỗi hành quản lý năm loại khí từ thiếu Dương đến Thái Dương.

Thiếu Âm đến Thái Âm. Như vậy, chúng tôi xác định rằng:

– Khí là một khái niệm bao trùm không chỉ trong con người mà cả thiên nhiên.

Khí trong thiên nhiên tương tác với thực tại môi trường trái Đất. Vì theo mô tả của cô thư thì khí ảnh hưởng đến thời tiết của trái Đất.

* Trong lịch sử hình thành vũ trụ:

– Cổ thư cũng ghi nhận: “Khi hỗn độn mới phân. Khí Dương nhẹ và trong bay lên thành trời, Khí Âm nặng và đục tụ xuống thành Đất”.

Như vậy, chúng tôi xác định rằng:

– Khí là một thực tế tồn tại ngay từ khi hình thành vũ trụ theo quan niệm của thuyết Âm Dương Ngũ hành.

* Trong Phong thủy

Về Dương trạch – tức là điều kiện môi trường trong việc nhận định tính chất tốt xấu của ngôi gia – Khí được mô tả có trong từng căn hộ, từng mọi vị trí trong căn nhà, với các khái niệm cụ thể liên quan là: Dương khí, Âm khí, bế khí…vv…

Về Âm trạch – Tức là điều kiện môi trường trái đất – khí được mô tả như sự mô ta trong Đông y với cơ thể người. Trong Âm trạch, khái niệm khí được mô tả nhiều nhất trong phong thủy Âm trạch với khái niệm về long mạch, tự khí, sinh vượng khí…vv…

* Trên cơ sở tổng hợp tất cả những khái niệm trong ứng dụng cụ thể liên quan tới khái niệm “khí”, chúng tôi xác định rằng:

– Khí là một khái niệm trong hệ thống phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành, phản ảnh một thực tại bao trùm trong lịch sử hình thành vũ trụ và không gian vũ trụ. Khí có trong vạn vật và cả trong không gian, và là một thực tại chưa được phát hiện trong tri thức khoa học hiện đại.

– Vậy chúng ta phải hiểu khái niệm “Khí” trong Lý học Đông phương như thế nào?

Khoa học hiện đại đã xác nhận rằng:

Bản chất của vũ trụ là tương tác. Tính chất của tương tác thế nào thì hình thành bản chất sự vật như thế đó“.

Hay nói cách khác: Khoa học hiện đại xác nhận tính tương tác có từ khởi nguyên của vũ trụ. Và khái niệm “Khí” trong Lý học Đông phương cũng tồn tại từ khởi nguyên của vũ trụ.

Trên cơ sở này, chúng tôi đã tổng hợp và định nghĩa về khái niệm “Khí” trong Lý học Đông phương như sau:

Khí là một dạng tồn tại của vật chất, được hình thành bởi sự tương tác và vận động của những vật thể, đồng thời tương tác lên các vật thể ấy. Tính chất của khí phụ thuộc vào tính chất cấu trúc và tương tác của các vật thể vật chất. Sự vận động của khí được định hình tùy theo vị trí các dạng cấu trúc vật thể vật chất tương tác hình thành nên nó.

Để mô tả về khái niệm “Khí” được phục hồi nhân danh cội nguồn Lý học Đông phương, chúng tôi lấy mô hình đồng dạng tương ứng là sự hình thành từ trường khi có sự tương tác giữa hai điện cực và tạo ra dòng điện trong dây dẫn.

Từ định nghĩa khái niệm về Khí trong Lý học Đông phương – phục hồi từ phong thủy Lạc Việt – chúng tôi đã ứng dụng để giải thích các vấn đề liên quan trên cơ sở tiêu chí khoa học đã nêu và nhận thấy rằng: Chúng hoàn toàn thỏa mãn những tiêu chí khoa học cho sự định nghĩa này.

Chúng tôi hân hạnh trình bày phần tiếp theo về:

Ứng dụng khái niệm khí từ Phong Thủy Lạc Việt.

Tuân thủ theo tiêu chí khoa học cho một giả thuyết khoa học được coi là đúng. Tiêu chí khoa học phát biểu rằng:

Một giả thuyết khoa học được coi là đúng, nếu nó giải thích hợp lý hầu hết mọi vấn đề và hiện tượng liên quan đến nó, một cách nhất quán, có tính hệ thống, tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri.

Để bảo đảm tính thẩm định khoa học, căn cứ theo tiêu chí khoa học, chúng tôi đã ứng dụng cụ thể khái niệm Khí đã được định nghĩa như trên so sánh với từng trường hợp cụ thể trong các cổ thư ghi nhận và đã ứng dụng trong việc thiết kế nhà theo phong thủy Dương trạch.

Trên thực tế ứng dụng khái niệm về “khí” – một thực tế tồn tại khách quan được ghi nhận trong Lý học Đông phương – nhân danh sự phục hồi trên cơ sở một nguyên lý xuyên suốt ” Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt” – chính là một yếu tố cấu thành nên sự nhất quán trong việc tổng hợp các trường phái Phong thủy được phát hiện rời rạc trong cổ thư chữ Hán trong khoa phong thủy nguyên thủy được phục hồi nhân danh Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến.

* Xác định khí hình thành do sự tương tác của các vật thể, nên chúng tôi xác định rằng:

– Vật thể động thuộc Âm thì khí thuộc Dương. Trên nguyên lý trong Âm có Dương. Với nguyên lý này và định nghĩa về Khí theo Phong thủy Lạc Việt thì sự vận động của con người và phương tiện trên xa lộ, hoặc đường đi sẽ tạo Dương khí. Điều này giải thích rằng: Ở những nơi thị tứ, xe cô và người đông đúc tấp nập thì Dương khí thịnh. Khái niệm Dương khí thịnh ở những nơi đô hội, nhà đông người là một khái niệm phổ biến trong phương pháp luận của lý học Đông phương.

– Vật thể tịnh, thí dụ như nhà vắng người, hoặc không người ở thì khí thuộc Âm, cũng theo nguyên lý trên. Điều này ứng dụng việc giải thích nhưng ngôi nhà bỏ hoang, hoặc vắng người thường được coi là Âm khí thịnh.

– Giải thích khái niệm Dương trạch – dùng trong kiến trúc xây dựng vì chủ yếu là quán xét Dương Khí, nên gọi là Dương trạch.

– Giải thích khí hình thành ngay từ tương tác đầu tiên trong vũ trụ và tồn tại trong không gian vũ trụ và khí chính là môi trường tương tác của vạn vật trong vũ trụ – giữa các thiên hà cho đến hạt vật chất nhỏ nhất.

– Giải thích sự phân biệt và quán xét Âm Dương khí và lục khí, ngũ vận trong Đông Y. Tính chất của khí phân loại theo Âm Dương và Ngũ hành cho từng trang thái cấu trúc giữa các vật thể. Thí dụ: Trong Hoàng Đế nội kinh nói đến Lục khí vận chuyển hàng năm tương tác với Địa cầu đó là do mối tương quan vị trí của Địa cầu với Thái Dương hệ và vị trí toàn thể của Thái Dương hệ với Ngân Hà. Vị trí khác nhau do sự vận động của vũ trụ, tất nhiên tương tác sẽ khác nhau và do đó tính chất “Khí” sẽ khác nhau, được phân loại theo Ngũ hành. …vv…

Kết luận

Sự ứng dụng một thực tại tương tác là “Khí” vô cùng rộng khắp, nên trong một bản tham luận này, chúng tôi chỉ có thể giới hạn trong định nghĩa khái niệm và giới thiệu một số những thành quả ứng dụng đã đạt được một cách giới hạn, nhằm minh chứng tính hợp lý, tính nhất quán và có hệ thống cho khái niêm “Khí”, góp phần khám phá một thực tại bí ẩn của nền văn hóa Đông phương cổ đại. Mà những cổ thư chữ Hán đã không ghi nhận một cách hoàn chỉnh khái niệm này.

Sự tìm hiểu và khám phá về “Khí” rất quan trong trong Lý học Đông phương và khoa phong thủy nói riêng. Bởi vì, đó chính là một thực tại tương tác có tính rất quyết định trong viễc nghiên cứu phong thủy và cũng là một yếu tố quan trong để hợp nhất các mảnh vụn còn rời rạc của khoa phong thủy được lần lượt xuất hiện trong văn hóa Hán – khi nền văn hóa Việt sụp đổ ở miến nam sông Dương tử từ hơn 2000 năm trước.

Những vấn đề chi tiết hơn được làm sáng tỏ liên quan đến “Khí” trong phong thủy, sẽ còn cần được tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.